Tài chính - ngân hàng

Cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý cho tín dụng xanh

DNVN - Khuyến nghị giải pháp phát triển tín dụng xanh (TDX), chuyên gia Lê Nam Long, Trường Đại học Thương mại cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý triển khai tín dụng xanh để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ.

"Tăng trưởng tín dụng năm 2015 sẽ khá sôi động" / Xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng

Tín dụng xanh nhìn từ Trung Quốc và Ấn Độ

Theo chuyên gia Lê Nam Long, trường Đại học Thương mại, để phát triển bền vững nền kinh tế, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã lựa chọn phát triển kinh tế xanh. Chủ trương này của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong chiến lược và kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh.

Trong đó triển khai TDX đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của chiến lược này. Tuy nhiên, việc phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại.

Để hoạt động TDX tại Việt Nam phát triển bền vững, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới có nhiều nét tương đồng như Trung Quốc, Ấn Độ về việc tăng cường các hoạt động ngân hàng xanh trong nội bộ, thúc đẩy quản lý rủi ro môi trường ở cấp độ dự án đầu tư và danh mục tín dụng cũng như huy động vốn hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường.


Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, Ấn Độ về chính sách TDX.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, nước này đang rất nỗ lực phát triển khu vực công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Chính sách TDX đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp.

Tuy nhiên, các ngân hàng với tư cách là đại lý thực hiện chính sách TDX đưa ra mức lãi suất ưu đãi đã làm nảy sinh sự thông đồng giữa các doanh nghiệp và chính quyền địa phương khiến chính sách TDX tại Trung Quốc không được như kỳ vọng.

Cùng với đó, do các các tiêu chuẩn thực hiện không rõ ràng và thiếu thông tin môi trường nên chính sách TDX chỉ tạo điều kiện cho những người vay bảo vệ môi trường, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thân thiện với môi trường, trong khi, các ngành công nghiệp gây ô nhiễm không được ưu đãi giảm lãi suất.

Tại Ấn Độ, năm 2005 nước này cam kết cắt giảm cường độ carbon từ 20 đến 25% vào năm 2020. Điều này đã mang lại cơ hội to lớn cho các ngân hàng xanh tối ưu hóa chi phí, giảm rủi ro, tăng cường danh tiếng và đóng góp cho lợi ích chung của sự bền vững môi trường.

Tuy nhiên, trở ngại lớn trong việc thực hiện sáng kiến xanh của các ngân hàng Ấn Độ là không có chính sách và quy định cụ thể. Thay vào đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) và Chính phủ Ấn Độ đóng vai trò chủ động thưởng cho các nhà cung cấp có ý thức về môi trường đối với các khoản vay xanh hàng năm.

Cần sớm có các tiêu chuẩn về tín dụng xanh

Từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc và Ấn Độ, chuyên gia Lê Nam Long đưa ra khuyến nghị: Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Việt Nam cần đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam có thể học tập cách thành lập một bộ phận chuyên trách nhằm đưa ngân hàng trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong các cam kết đối với môi trường, xã hội và tài chính bền vững.

NHTM cần có các đơn vị thành viên hỗ trợ trong quá trình xác định các dự án an toàn với môi trường, miễn trách nhiệm cán bộ tín dụng ngân hàng trong việc thẩm định các vấn đề liên quan đến môi trường. Nội dung này sẽ thuộc trách nhiệm của bộ phận chuyên trách, có chuyên môn và kinh nghiệm thẩm định các vấn đề liên quan đến môi trường.

Cùng với đó, công tác đào tạo về quản trị rủi ro môi trường, xã hội cho các cán bộ, nhân viên ngân hàng cần được thường xuyên chú trọng.

Đặc biệt, các NHTM Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin, khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, phát triển kênh thanh toán xanh, từ đó giúp hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp loại bỏ lãng phí giấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí in ấn, giảm phát thải các-bon.

NHTM có thể thực hiện xây dựng trụ sở xanh và tuyên truyền cho khách hàng về tín dụng xanh nhằm nâng cao uy tín, hình ảnh, vị thế của ngân hàng và là một kênh truyền thông hiệu quả tới khách hàng.

Về vấn đề huy động vốn nhằm bảo vệ khí hậu và môi trường, ông Long cho rằng, các ngân hàng có thể tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ cho các dự án áp dụng công nghệ để xanh hóa trong sản xuất như nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế như World Bank, JBIC, ADB, nguồn vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường trong nước, có sự tham gia của chính cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hay chương trình cho vay của các NHTM có ưu đãi lãi suất đối với công nghiệp sạch, xanh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm