Tài chính - ngân hàng

Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là “quan ngại” lớn

DNVN - Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng có cải thiện, tuy nhiên chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là “quan ngại” lớn.

Ngân hàng nào đang sở hữu thẻ tín dụng tốt nhất thị trường? / Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm rõ những vướng mắc, giải pháp trong điều hành tín dụng

Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 của WB nhận định, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là “quan ngại” lớn.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được cải thiện từ sau giai đoạn tăng rất chậm hồi đầu năm 2024. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ vào các hoạt động xuất khẩu, sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến, bất động sản, thương mại, vận tải và viễn thông được cải thiện.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất về cho vay tiêu dùng lại cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng vẫn yếu, khi các khoản vay mua nhà và xe hơi giảm trong quý I/2024 so với cuối năm 2023. Tổng tín dụng cho vay tiêu dùng chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024, so với tăng trưởng nhẹ của năm 2023 và thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,1% trong 5 năm trước đây.

WB cho rằng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng mạnh.

“Chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một mối quan ngại kể từ năm 2023. Nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, từ 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023, theo số liệu mới nhất có được, chủ yếu do ghi nhận nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Mặc dù vậy, tổng nợ vay được coi là xấu có thể lên đến 7,9% nếu tính cả các khoản vay được tái cơ cấu và nợ của Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC)”, báo cáo của World Bank cho biết.

Cũng theo World Bank, số liệu mới nhất cho quý I/2024 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng trong khu vực ngân hàng. Tăng từ 1,9% trong quý IV/2023 lên 2,2% trong quý I/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại.

Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch COVID – 19 (dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 12/2024) có thể khiến cho tỉ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa. Nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay đang gây thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co kéo do thu nhập lãi thuần, phí và hoa hồng đang chững lại.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, do các ngân hàng tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu.

Tuy nhiên, lượng trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối năm 2024 ước lên đến 5,6 tỷ USD, trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm 42%. Điều này đang tạo áp lực cho lĩnh vực bất động sản trong điều kiện khó khăn về dòng tiền.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm