VIS Rating: Tỷ lệ an toàn vốn ngành ngân hàng sẽ ở mức thấp
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm: Bộ Tài chính nói gì? / Không nên "bỏ quên" nguồn vốn từ ngân hàng xanh khi thực hiện cam kết COP26
Theo Báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng của công ty VIS Rating (công ty xếp hạng tín nhiệm hình thành từ vốn đầu tư của Moodys và các tổ chức tài chính hàng đầu tại Việt Nam), sau một năm kinh tế tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ nợ xấu tăng cao, VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ hồi phục trong năm 2024.
Sự hồi phục nhờ điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn, cùng môi trường lãi suất thấp sẽ cải thiện khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của ngành sẽ hồi phục nhờ biên lãi thuần và tăng trưởng cho vay cải thiện. Từ đó, củng cố khả năng tạo vốn nội bộ.
Ngoài ra, nguồn vốn và thanh khoản vẫn sẽ duy trì ổn định do tăng trưởng tiền gửi theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay và các ngân hàng tăng cường huy động nguồn vốn dài hạn. Tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ chậm lại nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và lãi suất thấp.
Cũng theo VIS Rating, trong năm 2024, nhiều chính sách của Chính phủ cùng các quy định pháp lý mới nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ có hiệu lực, từ đó góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, cải thiện dòng tiền của các doanh nghiệp. Lãi suất thấp sẽ giảm bớt gánh nặng lãi vay và cải thiện khả năng trả nợ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ giảm xuống 1,7%-1,8% trong năm 2024 từ mức đỉnh 5 năm là 1,9% vào cuối năm 2023. Tốc độ cơ cấu lại khoản sẽ ổn định. Rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ dần ổn định khi các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay”, VIS Rating kỳ vọng trong báo cáo.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy cao với dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và đang vướng vào vấn đề pháp lý hoặc các dự án mang tính đầu cơ sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng năm 2024. Bộ đệm rủi ro chỉ ổn định khi khả năng tạo vốn nội bộ cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Mặc dù lợi nhuận cải thiện sẽ hỗ trợ trích lập dự phòng và bổ sung vốn, VIS Rating đánh giá, mức vốn của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ đi ngang trong năm 2024. Chỉ có một số ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn.
“Tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn sẽ ở mức thấp khoảng 11-12%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ vẫn sẽ thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023.
Đồng thời, nguồn vốn và thanh khoản sẽ duy trì ổn định khi tăng trưởng tiền gửi theo kịp tăng trưởng tín dụng và các ngân hàng tăng cường huy động vốn dài hạn”, báo cáo cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo