Tài chính - ngân hàng

Chuyển đổi số chậm: Doanh nghiệp bảo hiểm phải đối diện sức ép cạnh tranh từ các mô hình mới

DNVN - Chia sẻ tại “Diễn đàn kinh tế - tài chính trực tuyến 2022: Bancassurance - Tiềm năng và thách thức” chiều 27/7, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng: Chuyển đổi số chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đối diện với sức ép cạnh tranh từ các mô hình mới.

Đà Nẵng: Kiểm tra, xử lý hành vi lạm dụng, trục lợi Bảo hiểm y tế / Thị trường bảo hiểm Việt: Vẫn thiếu hợp tác trong phòng, chống gian lận

Theo TS Cấn Văn Lực, dư địa phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng là lớn.

Đó là mức độ bao phủ bảo hiểm hiện nay của Việt Nam mới khoảng 2,7% GDP và Chính phủ đặt mục tiêu đạt khoảng 3,5% GDP đến năm 2025. Đối với bảo hiểm nhân thọ, mức độ bao phủ còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ chiếm 11% so với 50% của Malaysia hay 80% của Singapore).

Tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng vẫn còn thấp (5-8% lượng khách hàng). Một số văn bản pháp lý được ban hành đang tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bảo hiểm, cụ thể là cho phép giấy chứng nhận điện tử chủ xe cơ giới, sửa đổi, bổ sung quy định bảo hiểm cháy, nổ…

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đối diện với không ít thách thức liên quan đến xu hướng tăng lãi suất (trái phiếu Chính phủ, tiền gửi). Áp lực lạm phát sẽ có tác động tích cực đối với lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của các công ty bảo hiểm nhưng sẽ không nhiều.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng 10-15% nên lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán của các công ty bảo hiểm khó đạt được kết quả tốt như trong năm 2020 và 2021.

Đồng thời, tỷ lệ bồi thường gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì không còn các đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng gặp phải khó khăn khi đã phản ứng khá chậm chạp trước xu hướng chuyển đổi số.

Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu và tư vấn ISG, nhiều doanh nghiệp có tới 60% các quy trình nội bộ vẫn sử dụng giấy tờ. Đại dịch COVID - 19 vì thế càng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn bởi các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhân viên phải làm việc từ xa cũng như sự thay đổi của hành vi khách hàng.

61,5% lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm được ISG khảo sát cho biết họ có kế hoạch đầu tư để xây dựng trải nghiệm số cho khách hàng, 51% cho biết sẽ đầu tư để chuyển đổi dựa trên công nghệ đám mây và 46,2% sẽ tăng chi cho công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI).

“Chính vì quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đối diện với sức ép cạnh tranh từ các mô hình mới, điển hình là các công nghệ bảo hiểm (Insurtech)”, ông Lực nói.

Theo đó, thị trường Insurtech được kỳ vọng là sẽ phát triển với tốc độ cao trong gian đoạn 2020-2025, với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm khoảng 10,8% (theo nghiên cứu của Researchandmarket.com).

Các Insurtech trong mảng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được đánh giá sẽ phát triển tốt hơn nhờ những lợi thế như đơn giản hóa thủ tục bồi thường, cải thiện năng lực giao tiếp với khách hàng và khả năng áp dụng tự động hóa trong hoạt động.

Vì những lý do này, trong năm 2021 các công ty Insurtech đã nhận được các khoản đầu tư lên tới 15,4 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng tới 90% so với năm 2020 (theo công ty chuyên cung cấp dịch vụ tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu CB Insights).

Ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số, rà soát, chuẩn hóa các hoạt động hợp tác với các ngân hàng thương mại.

Đa dạng hóa hoạt động và doanh thu, đẩy mạnh hợp tác với Fintech, Insurtech và tích cực tham gia hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho chuyển đổi số, tham gia thực hiện chiến lược tài chính toàn diện và giáo dục tài chính.

“Hành lang pháp lý cho hoạt động này cần được hoàn thiện hơn, bao gồm cả việc bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, quy định về hoạt động ngân hàng mở, tài chính mở để hệ sinh thái tài chính được hình thành tốt hơn. Luật các tổ chức tín dụng dự kiến sửa đổi thời gian tới cần có quy định liên quan đến hoạt động bán hàng sao cho phù hợp với Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua”, ông Lực khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm