Năm 2022, ngành ngân hàng đối mặt áp lực nợ xấu tăng cao
DNVN - Ngành ngân hàng đang đối mặt với áp lực nợ xấu tăng cao do dịch bệnh kéo dài khiến vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Chính sách tiền tệ vẫn phải “gánh” nặng / Dự báo: Lạm phát tăng từ quý II/2021 do yếu tố tiền tệ
Ngày 29/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức "Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022". Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là năm đầu tiên đất nước bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiệm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã kịp thời cập nhật tình hình, đề ra chủ trương, đường lối, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chưa từng có tiền lệ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn trong kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với ngành ngân hàng, năm 2021 mang tới nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi kinh tế thế giới có nhiều biến động, phía Hoa Kỳ có quan ngại về vấn đề thao túng tiền tệ, đòi hỏi NHNN phải chủ động đàm phán; doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng…
Báo cáo về hoạt động ngân hàng năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm qua, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú.
NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát để góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2016), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của người dân, thu hút FDI.
Đáng chú ý, để hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, Nghị quyết số 126 đã bỏ điều kiện về nợ xấu tại tổ chức tín dụng tại thời điểm đề nghị vay vốn và không yêu cầu về có bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc.
Đồng thời, các gói hỗ trợ đặc thù như tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, ngành ngân hàng cũng đứng trước nhiều rủi ro, thách thức trong năm 2022.
Bên cạnh nỗi lo rủi ro lạm phát sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thì ngành ngân hàng cũng đang đối mặt với áp lực nợ xấu tăng cao. Dịch bệnh kéo dài khiến vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.
“Ngành ngân hàng còn phải đối mặt với những áp lực từ việc mở rộng quy mô tín dụng và thái quá các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi, nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời và sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thì không chỉ khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ trong việc cung ứng tiền từ NHNN mà còn tạo áp lực không nhỏ đến việc cân đối nguồn vốn cũng như chiến lược nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong trung-dài hạn”, ông Tú nhấn mạnh.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo