Tài chính - ngân hàng

Năm 2022 thu ngân sách vượt 24% dự toán

DNVN - Tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết công tác thuế năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023”, ngày 15/12, Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách năm 2022 do ngành thuế quản lý vượt trên 24% dự toán. Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh.

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 / Cục thuế Tp. Hà Nội thu NSNN năm 2017 vượt mức dự toán được giao

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán pháp lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán, tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 115,7%; khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 108,1%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tổng cục Thuế.

16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực DNNN tăng 8,7%; thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN tăng 2,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng 24,6%; lệ phí trước bạ tăng 21,3%; thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%.

Cũng theo Tổng cục Thuế, có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, như: 2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã cán mốc thu trên 300 nghìn tỷ đồng. Thu từ khối DN lớn do Cục Thuế DN lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245 ngàn tỷ đồng.

8 địa phương cán mốc trên 30 nghìn tỷ đồng là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc; 4 địa phương cán mốc trên 20 ngàn tỷ là Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi và có đến 18 địa phương cán mốc trên 10 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2022, toàn ngành thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và DN, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng. Triển khai vượt tiến độ hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc.

Tiếp tục nghiên cứu để phát huy hiệu quả việc triển khai HĐĐT với người dân, DN với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh.

Năm 2022, ngành thuế thu ngân sách vượt 24% dự toán.

Để đạt được kết quả trên, bên cạnh tăng cường các chức năng quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, năm 2022 ngành thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 665.781 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ.

“Về công tác quản lý nợ thuế, năm nay, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ đạt 39.000 tỷ đồng tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14: Năm 2022, ngành thuế đã xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách đạt 2.757 tỷ đồng.

Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội ước đạt 35.229 tỷ đồng. Trong đó, xử lý khoanh nợ là 28.217 tỷ đồng; xử lý xóa nợ là 7.012 tỷ đồng”, Tổng cục Thuế cho hay.

Để hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, trong đó có chỉ tiêu thu NSNN là 1.373.244 tỷ đồng, Tổng cục Thuế đã đề ra mười nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, ngành thuế tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 được Quốc hội giao.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ, giúp người dân, DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Đặc biệt là thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán NSNN năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; kịp thời bổ sung nguồn công chức trẻ có chất lượng tốt cho ngành thuế.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm