Phát triển kinh tế bền vững bằng các giải pháp tài chính sáng tạo
Các ngân hàng còn ít dư địa giảm lãi suất huy động / VPBank Flex – Tấm thẻ cá nhân hóa cho cuộc sống đậm chất riêng
Tại diễn đàn "Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương" do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức ngày 28/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên như một trung tâm năng động, duy trì được xu thế tăng trưởng kinh tế cao so với thế giới cùng những bước tiến mới trong hợp tác khu vực với trên 350 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được các nước trong khu vực ký kết với nhau và với các đối tác ngoài khu vực.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, khu vực này cũng đã trở thành trọng tâm cạnh tranh chiến lược địa chính trị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột, đe dọa hòa bình và phát triển ổn định của khu vực.
Thứ trưởng nhấn mạnh, tài chính, kế toán và kiểm toán là những cột trụ quan trọng định hình và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và khu vực. Việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế và phát triển bền vững đòi hỏi sự đồng thuận và nỗ lực chung từ các quốc gia trong khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp tài chính sáng tạo sẽ giúp giải quyết những thách thức chung mà các quốc gia trong khu vực đang đối mặt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, Thứ trưởng tin tưởng, việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán và kiểm toán không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chia sẻ nguồn lực và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững.
Ngoài ra, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao năng lực nhân lực về kế toán, kiểm toán trên cơ sở thông lệ quốc tế là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
"Chúng ta cần phải hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau để bảo đảm rằng chúng ta đều đạt được tiêu chuẩn quốc tế và có thể cùng nhau xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.
Cần xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, bảo đảm các kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành cần thiết. Đồng thời, cần khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những phương pháp đào tạo tiên tiến", Thứ trưởng nêu.
Bà Helen Brand - Giám đốc điều hành ACCA toàn cầu bày tỏ ấn tượng bởi ý định nghiêm túc và có hệ thống của Chính phủ trong việc xây dựng nghề kế toán tại Việt Nam, và cách mà Việt Nam hỗ trợ các tiêu chuẩn quốc tế và khung pháp lý. Điều này bao gồm việc thành lập các tổ chức chuyên nghiệp quốc gia, giúp các kế toán viên Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn chuyên nghiệp cao nhất. ACCA tự hào đã đóng góp vào nhiều quan hệ đối tác để làm cho tiến bộ quốc gia này trở nên khả thi.
Trong bối cảnh căng thẳng và bất ổn toàn cầu, sự mong manh của các nền kinh tế, tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan đối với an toàn công cộng và an ninh lương thực, các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các chiến lược chuỗi cung ứng của mình để phản ứng với các điều kiện thương mại thay đổi nhanh chóng, thêm các lớp phức tạp vào bức tranh kinh tế.
ACCA sẵn sàng phục vụ ở mọi cấp độ của kinh doanh – từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các tập đoàn đa quốc gia lớn – và tư vấn cho các Chính phủ, các cơ quan công cộng và các tổ chức thuộc mọi loại hình – về cách đưa ra quyết định tốt, tối đa hóa giá trị đồng tiền và thúc đẩy lòng tin của công chúng...
Ông Pulkit Abrol - Giám đốc ACCA khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, diễn đàn "Đối thoại châu Á - Thái Bình Dương" cung cấp cơ hội không giới hạn cho cộng đồng doanh nghiệp và tài chính trong khu vực nhằm chia sẻ kiến thức và khám phá các giải pháp sáng tạo cho những thách thức đương đại.
"Bằng cách tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận quan trọng này, chúng tôi trang bị cho các chuyên gia khả năng thúc đẩy sự thay đổi tích cực, tăng cường bền vững và chấp nhận biến đổi số, từ đó góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương", ông Pulkit Abrol bày tỏ.
Đối thoại châu Á Thái Bình Dương là một sự kiện quan trọng, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, học giả và nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý, tài chính, kế toán và kiểm toán từ khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 28 và 29/5 với nhiều phiên thảo luận. Theo đó, các diễn giả sẽ chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo về các vấn đề chung và cùng nhau bàn các giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, các nền kinh tế khu vực nói chung vượt qua những khó khăn thách thức, tăng trưởng và phát triển bền vững, hợp tác vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo