Tài chính - ngân hàng

Cho thuê tài chính: Nhiều thách thức về pháp lý và rủi ro tín dụng

DNVN - Chuyên gia tài chính Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, cho thuê tài chính tại Việt Nam đang phải phải đối mặt với nhiều thách thức về pháp lý, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành.

Nợ xấu tại các công ty cho thuê tài chính lên tới 43% / Ba án tử hình vụ tham ô tại Công ty cho thuê tài chính II

Phát biểu tại hội thảo “Hệ sinh thái số và việc phát triển bền vững cho ngành cho thuê tài chính ở Việt Nam” sáng 10/5, ông Nguyễn Thiều Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm 1998, đến nay, cho thuê tài chính đã trở nên phổ biến với các đặc điểm tiện ích như không cần thế chấp tài sản bảo đảm, tỉ lệ tài trợ cao, đa dạng sản phẩm tài trợ.

Đặc biệt, hình thức này phù hợp với tệp khách hàng doanh nghiệp cần nguồn vốn để tập trung vào sản xuất. Bởi vì, thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang thiết bị vào vận hành. Qua đó, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng gấp với số lượng lớn mà chi phí bỏ ra không quá nhiều.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường cho thuê tài chính vẫn phát triển mức khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoản 45 - 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ. Số lượng sử dụng dịch vụ này chỉ có 15 nghìn doanh nghiệp, trong tổng số 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%.

Ông Nguyễn Thiều Sơn cho rằng, thị trường cho thuê tài chính phát triển ở mức khiêm tốn.

Do phát triển khiêm tốn, hiện các sản phẩm cho thuê tài chính phần lớn giống như vay tín dụng. Các sản phẩm mới, ý tưởng mới chưa được phát triển nhiều trên thị trường.

Lý giải cho trình trạng trên, ông Phạm Xuân Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, thách thức lớn của cho thuê tài chính là pháp lý, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành.

Đó là sự rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi. Khung khổ pháp lý đối với hoạt động này được gộp chung với ngân hàng thương mại nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê.

Cùng với đó, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cộng với sự hạn chế về năng lực kinh doanh và quản trị của khách hàng đang tạo ra những rủi ro về tín dụng và vận hành.

Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ Việt Nam thuộc nhóm đang phát triển với tăng trưởng GDP thuộc top đầu trên thế giới. Điều này kéo theo nhu cầu về thuê tài sản rất lớn.

Quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang tạo cầu lớn về tín dụng trung dài hạn, nhất là cho thuê tài chính. Giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của ngân hàng thương mại mở ra cơ hội để cho thuê tài sản phát triển.

“Để giúp hoạt động cho thuê tài chính tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hội nghị thảo luận sâu về thông tư hướng dẫn. Cần phân tích rõ sự khác biệt giữa cho thuê tài chính với hoạt động của ngân hàng thương mại, đặc biệt trong bối cảnh Luật Tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực vào ngày 1/7”, ông Hòe khuyến nghị.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm