Thúc đẩy tín dụng xanh còn gặp nhiều khó khăn
HDBank đẩy mạnh các gói tín dụng xanh / Cần sớm hoàn thiện môi trường pháp lý cho tín dụng xanh
Chương trình do ACCA Việt Nam phối hợp tổ chức.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian qua, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tín dụng xanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
NHNN đã chủ động lồng ghép, xây dựng các đề án, chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp không ít khó khăn liên quan đến danh mục phân loại xanh, nhu cầu vốn, lĩnh vực đầu tư, quản lý rủi ro môi trường và xã hội…
Theo đó, mặc dù NHNN là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh, tuy nhiên, hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017 chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Cách phân loại này chưa thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.
Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 hiện rất lớn. Trong khi, các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon còn chưa phát triển hoặc chưa triển khai gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, theo NHNN, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) thường là vốn huy động ngắn hạn.
Các TCTD gặp khó khăn trong việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo đảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.
“Việc thúc đẩy tín dụng xanh, tăng cường quản lý rủi ro môi trường và xã hội khiến các TCTD phát sinh chi phí phải đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, năng lực chuyên môn. Sự hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp cũng gây ảnh hưởng hoặc thậm chí làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD”, báo cáo của NHNN chỉ rõ.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tín dụng xanh, hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh. Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Đẩy mạnh đàm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, tài trợ vốn cho các dự án xanh.
“NHNN sẽ tiếp tục cung cấp, công bố các thông tin về hoạt động phát triển bền vững của ngành ngân hàng, làm cơ sở để đánh giá mức độ tham gia phát triển bền vững của ngành ngân hàng. Tích cực tham gia các hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng”, đại diện NHNN khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo