Thị trường

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy tín dụng xanh

Khác với những khoản vay thông thường, tín dụng xanh đòi hỏi các dự án phải đáp ứng các tiêu chí xanh.

Vì sao giá gạo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt? / Không thể “chen chân” vào kênh bán lẻ quốc tế nếu doanh nghiệp giữ cách làm cũ

Với xu hướng chuyển đổi xanh đang ngày càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều vốn để xanh hóa hoạt động sản xuất. Tuy nhiên đến cuối tháng 6, mới có khoảng 528.000 tỷ đồngtín dụng xanh, chiếm khoảng 4,2% trong tổng dư nợ nền kinh tế, vì vậy cần có nhiều giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy nguồn vốn này.

Ngân hàng Agribank quyết định dành khoảng 50.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực xanh. Lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm. Khác với những khoản vay thông thường, tín dụng xanh đòi hỏi các dự án phải đáp ứng các tiêu chí xanh.

"Chuyển sang cho vay các dự án năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, chuỗi cung ứng. Khi cho vay các khách hàng lớn, đều có tiêu chí chứng nhận bảo vệ môi trường theo quy định", bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định chế tài chính ngân hàng Agribank, cho biết.

Cần tiêu chí xanh, nhưng vướng mắc lớn nhất là các ngân hàng chưa có một danh mục quốc gia về dự án xanh. Như ngân hàng BIDV đã tự chủ động ban hành khung khoản vay bền vững, quy định về quản lý rủi ro môi trường cho các dự án, nhưng cũng không tránh khỏi lúng túng trong quá trình cho vay.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy tín dụng xanh - Ảnh 1.

Hiện tín dụng xanh đang được cho vay khoảng 12 lĩnh vực, nhưng gần một nửa dư nợ tập trung vào lĩnh vực năng lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Chúng tôi hiểu dự án điện rác là dự án giúp giảm thiểu rủi ro môi trường, nhưng theo tìm hiểu dự án điện rác lại không nằm trong dự án tín dụng xanh. Do đó chúng tôi gặp khó khăn trong việc có thúc đẩy cho vay các dự án điện rác hay không", ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban tài trợ dự án BIDV, cho hay.

Giới chuyên gia khuyến nghị, các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách tổng thể liên quan đến tài chính bền vững, qua đó làm căn cứ để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn xanh.

"Các ngân hàng đang lúng túng trong việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn. Đây là thách thức đối với các ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang phải tự thực hiện", bà Trương Hạnh Linh, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam - Campuchia, thông tin.

"Chính phủ nên có quy định liên quan đến danh mục xanh và ngân hàng nên có chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu có trách nhiệm để ngân hàng có thể tự lập khung quản trị rủi ro của mình", bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, nhận định.

 

Hiện tín dụng xanh đang được cho vay khoảng 12 lĩnh vực, nhưng gần một nửa dư nợ tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Khi có các tiêu chí phân loại dự án xanh cụ thể, sẽ giúp nguồn vốn xanh lan tỏa nhiều hơn tới các lĩnh vực khác.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm