Tăng thuế với thuốc lá - Bài 1: Dễ tiếp cận thuốc lá ở Việt Nam
Báo động tình trạng thiếu nhân lực tại doanh nghiệp cảng biển / Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vượt trội
Bộ Y tế đang đề xuất tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ (như khuyến cáo của WHO) trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025).
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về thực trạng của giá thuốc lá ở nước ta và sự cần thiết phải tăng thuế tại Việt Nam.
Bài 1: Dễ tiếp cận thuốc lá ở Việt Nam
Theo các chuyên gia, giá trung bình cho một bao thuốc 20 điếu phổ biến ở Việt Nam là 15.000 đồng. Ngoài ra, việc mua thuốc lá tại các cửa hàng cũng khá dễ dàng. Đây chính là những nguyên nhân khiến cho nhiều người có thể hút thuốc lá dù thu nhập ít hay nhiều.
Thuốc lá là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế
Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%, bệnh tật do thuốc lá còn gây ra đang là gánh nặng cho hàng triệu gia đình, gây áp lực với hệ thống y tế và với sự phát triển kinh tế đất nước.
M.L (quận Ba Đình, Hà Nội) mới 25 tuổi nhưng đã có “thâm niên” hút thuốc lá gần 10 năm. M.L cho biết, hồi đầu thử hút thuốc lá vì thấy hay ho và thấy sành điệu. Lúc đầu mình chỉ hút ngày 2 điếu nhưng sau tăng dần ngày 3-5 điếu. Đỉnh điểm là thời kỳ làm đồ án tốt nghiệp ngày có khi mình hút hơn 1 bao, giờ thành nghiện, bỏ sẽ thấy bứt rứt chân tay.
K.T (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại chia sẻ lý do không bỏ thuốc lá được rằng, mình biết rõ tác hại của thuốc lá vì chính mình cũng gặp các vấn đề sức khỏe như thỉnh thoảng khó thở, đờm nhiều vào buổi sáng nhưng lại không thể bỏ thuốc. Mỗi lần bỏ thuốc được một thời gian thì lại ăn vặt nhiều kinh khủng, có thời gian bỏ thuốc được 3 tháng tăng gần 10 kg. Đến lúc hút thuốc lại thì điều chỉnh ăn uống cân nặng lại trở về như cũ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, đứng đầu trong nhóm các bệnh liên quan đến thuốc lá là các bệnh về tim mạch. Nhóm các bệnh về tim mạch cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất. Nhóm bệnh thứ hai liên quan đến thuốc lá là các bệnh ung thư. Có 8 loại ung thư xuất phát từ việc hút thuốc lá, như ung thư phổi, ung thư tụy, ung thư thanh quản. Trong đó, 90% số người mắc ung thư phổi có hút thuốc.
Theo các chuyên gia, thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động: Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chấtlượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Theo số liệu của Bộ Y tế năm 2023, Việt Nam có 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo ước tính của WHO đến năm 2030 con số này sẽ là 70.000 ca.
Bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức Health Bridge tại Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc lá còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Kết quả nghiên cứu gần đây chothấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp,5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra hàngnăm còn phải kể đến 49.000 tỷ đồng cho mua thuốc lá hút. Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Dễ dàng mua thuốc lá ở mọi nơi với giá rẻ
Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Số liệu đưa ra bởi Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.
Theo các chuyên gia, một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam, dẫn đến người dân và trẻ em vẫn dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng và HealthBridge về Điều tra giá bán lẻ thuốc lá ở Hà Nội và TPHồ Chí Minh năm 2023 cho thấy, khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá trong nước có giá dưới 10.000 đồng/ bao, chiếm thị phần lớn trong thị trường.
Thuốc lá là sản phẩm bị hạn chế tiêu dùng và có các quy định cụ thể về việc trưng bày và bán. Chẳng hạn, thuốc lá không được bán cho người dưới 18 tuổi, chỉ được phép trưng bày tối đa một bao, một tút hoặc một hộp của mỗi nhãn hiệu tại các điểm bán, và không được bán trong phạm vi 100m xung quanh cổng các nhà trẻ, trường học và cơ sở y tế... Tuy nhiên, những vi phạm này vẫn thường xuyên xảy ra trong thực tế.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, giá bán lẻ thuốc lá quá thấp và tính sẵn có trên thị trường rất cao. Việc kiểm soát các điểm bán thuốc lá còn thiếu chặt chẽ, khiến người dân dễ dàng mua thuốc lá ở mọi nơi với giá rẻ. Chẳng hạn, dù đã có quy định cấm bán lẻ trong phạm vi 100m quanh cổng trường nhưng học sinh vẫn có thể dễ dàng mua được các sản phẩm này.
Những quầy bán thuốc lá lậu có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố. Tại thị trường nội địa,thuốc lá điếungoại nhập lậu được bán tại các nhà hàng, quán cà phê, tủ bán thuốc lá lẻ. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội hay các nền tảng buôn bán trực tuyến, thuốc lá lậu được bán tràn lan, đủ loại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn vụ buôn lậu thuốc lá bị xử lý, với hàng triệu bao thuốc lá bị tịch thu và mức xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, với lợi nhuận lên tới 400-500%, việc buôn lậu thuốc lá vẫn khó có thể chấm dứt.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng thế giới: Buôn lậu thuốc lá là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi có buôn lậu thì bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng. Hơn nữa các chính phủ có thể đồng thời thực thi các chính sách kiểm soát buôn lậu như tem thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe ngôn ngữ địa phương (để phân biệt thuốc lậu), thực thi nghiêm việc chống buôn lậu và áp dùng các hình thức xử phạt nặng các vi phạm.
Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc (50% còn lại là từ các biện pháp khác như thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…).
Bài cuối: Hướng tớigiảm số người hút
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp