Thị trường

Tăng tốc để tránh tụt hậu

Quy mô GDP năm 2018 tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần so với năm 1989 là thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng đặt ra nhiều thách thức.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng tăng trưởng bền vững / Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Nhật Bản tiêu thụ nhiều sản phẩm của Việt Nam

Nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập đặt ra nhiều thách thức.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá nền kinh tế nhìn lại năm 2018 đã có bước phát triển rất tích cực, từng bước củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của kinh tế thế giới.

Việc đạt tốc độ tăng GDP 7,08% và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tài chính, thương mại thế giới có nhiều biến động, nhiều nền kinh tế tăng trưởng chậm lại là một minh chứng rõ nét.

Thấy rõ nguy cơ

Thành tựu là chung của cả nước, mỗi bộ, ngành, địa phương đều có sự đóng góp tích cực vào kết quả chung, trong đó Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ngành KH&ĐT quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (DN) cũng như các nghị định có liên quan.

Ngành KH&ĐT cũng tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính; mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin – cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf…

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục triệt để hơn nữa. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác chuyên môn, nhất là lĩnh vực đầu tư công đã được tăng cường nhưng cần thực hiện nghiêm hơn; trách nhiệm trong công việc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở các đơn vị đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa thực sự toàn diện.

Đặc biệt, nếu so sánh năm 2018 với năm 1989, quy mô GDP đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần là một thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu vẫn rất nghiêm trọng; bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, hội nhập đặt ra nhiều thách thức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều này cho thấy chúng ta có lý do để lo lắng đối với mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 đạt GDP bình quân đầu người 3.200 – 3.500 USD cũng như mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 là 10.000 USD/người.

Trong khi đó, ở trong nước, những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tuy bước đầu được giải quyết nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh đã có nhiều chuyển biến rõ nét nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng chỉ ra nỗi lo khi chúng ta đối diện với thực tế là dù đang ở cơ cấu "dân số vàng" song sẽ già hóa nhanh. Nguy cơ Việt Nam "chưa giàu đã già", đối diện với nhiều vấn đề xã hội, an sinh ngày càng cận kề, hiện hữu.

Cùng với đó, tăng trưởng năng suất lao động có cải thiện nhưng thấp so với khu vực. Tổng đầu tư toàn xã hội có tăng, song chi phí chống biến đổi khí hậu, thách thức tự nhiên, toàn cầu đang lớn hơn.

Theo Phó Thủ tướng, cải cách khu vực kinh tế tư nhân trong nước là động lực cho kinh tế Việt Nam. Vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cắt giảm giấy phép con, kiểm tra chuyên ngành, nhưng khoảng cách từ chính sách đến thực thi phải ngắn hơn nữa mới hiệu quả, có niềm tin cho DN.

GDP-binh-quan-dau-nguoi-5680-1547652859.

GDP bình quân đầu người có thể đạt 3.200 – 3.500 USD vào năm 2020

Còn nhiều vướng mắc

Ts. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động của kinh tế thế giới sẽ có tác động lớn. Vì thế, bây giờ cũng như vài ba thập kỷ tới, Việt Nam phải luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó.

"Điều đó giống như chuyện xây nhà chống bão vậy. Muốn xây được nhà lớn, có đẳng cấp, có hệ sinh thái, Việt Nam phải coi trọng nhiều vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế, xã hội cũng như môi trường kinh tế vĩ mô. Khi làm bất cứ điều gì, chúng ta cũng cần phải chú ý đến năng suất, môi trường và sự phát triển bền vững", ông Khương nhấn mạnh.

Trước hết, Việt Nam phải "biết mình biết người" và biết rằng không đổi thay là chết; qua đó định vị rõ chiến lược trong giai đoạn tới. "Việt Nam phải làm gì đó cho thế giới kinh ngạc, chứ chỉ dừng ở mức trung bình sẽ chưa đủ", ông Khương nói.

Đi cụ thể vào những khó khăn vướng mắc liên quan tới lĩnh vực quản lý của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, đề xuất Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn giúp Hà Nội và các địa phương về việc giải ngân vốn vay ODA theo tiến độ thực hiện dự án và hiệp định vay vốn đã ký kết.

 

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trước đây, khi kêu gọi đầu tư, tỉnh này đã gặp rất nhiều khó khăn vì hạ tầng giao thông bất cập. Nhiều nhà đầu tư đã đến Quảng Ninh khảo sát thị trường nhưng đều rút lui vì lý do giao thông không thuận lợi.

Nhận diện những bất lợi đó, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công – tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.

Từ năm 2013 – 2018, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn Quảng Ninh đạt khoảng 47.000 tỷ đồng với tổng số 44 dự án, trong đó vốn nhà nước tham gia khoảng 4.700 tỷ đồng (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng). Như vậy, cứ một đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8 – 9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh theo quy định.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công hiện tại còn rất nhiều vướng mắc, trong khi phần lớn các khó khăn, vướng mắc này đã được sửa đổi trong Dự thảo Luật do Bộ KH&ĐT chủ trì, vì vậy đề nghị Bộ sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua để làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

 

Liên quan tới Luật Đầu tư công, ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cũng cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cần sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo quy định của Luật.

Đồng thời, cần tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền của HĐND tỉnh về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại Nghị định số 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ (HĐND chỉ họp mỗi năm hai lần, trong khi để xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cần phải làm quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư để kịp tiến độ theo yêu cầu của Luật Đầu tư công).

Phó Thủ tướng Chính phủ -Vương Đình Huệ

Thành công trong quá khứ là tốt nhưng có thể không bảo đảm trong tương lai nếu không củng cố, phát triển các động lực. Năm 2019 phải bứt phá, đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong tư duy và hành động vì sự nghiệp chung để Việt Nam thành nước phát triển.

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội -Nguyễn Đức Chung

 

Hà Nội mong muốn Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đặc biệt, tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT -Nguyễn Chí Dũng

Chặng đường đổi mới, sáng tạo và phát triển vẫn còn dài ở phía trước, những khó khăn, thách thức còn nhiều và ngày càng gay gắt, những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục triệt để. Bởi vậy, ngành KH&ĐT cần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Theo thoibaokinhdoanh.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm