Thị trường

Tăng tốc thúc đẩy đầu tư công

DNVN - Để thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội, không chỉ có quyết tâm chính trị từ cấp trung ương mà cần có sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền địa phương.

Chậm thực hiện gói hỗ trợ đầu tư công: Cần tăng cường thanh, kiểm tra / Triển khai các dự án mới: Điểm yếu cốt lõi dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công

Vốn đầu tư công giải ngân thấp hơn gần 12% so với cùng kỳ

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ làm GDP tăng thêm 0,06%. Đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam thì đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, lượng vốn đầu tư công đã giải ngân là 73.192 tỷ đồng, đạt hơn 10,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này thấp hơn con số cùng kỳ năm ngoái là 11,9%, thể hiện sự hạn chế trong hoạt động này.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhằm phục hồi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phân tích nguyên nhân cho thấy, tỷ lệ giải ngân còn thấp là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới đang hoàn thiện việc giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán chưa nhiều. Đây là đặc điểm trong diễn biến của hoạt động giải ngân trong thời điểm đầu năm suốt nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, các dự án đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Nguyên nhân khác, mang tính chất “muôn thuở” là nhiều dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Một số dự án trọng điểm ngành giao thông gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất và cát; gây ảnh hưởng tiến độ, thiếu khối lượng thi công hoàn thành để nghiệm thu và giải ngân vốn. Trên thực tế, vấn đề này đã phát sinh từ năm ngoái, nhưng đến nay chậm được giải quyết dứt điểm.

Một nguyên nhân rất quan trọng là còn thiếu sự quyết liệt của nhiều địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2023, mới chỉ có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, trong đó một số địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30%), Điện Biên (24,7%), Đồng Tháp (22,9 %), Lâm Đồng (20,8%).

Ngược lại, 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Điều này khiến tình hình đầu tư công là đáng lo ngại, bởi quỹ thời gian cho giải ngân vốn đầu tư công ngày càng ngắn lại trong khi kết quả đạt được rất hạn chế.

Cần sự vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến từ cấp địa phương

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư công, Chính phủ luôn theo sát, nắm bắt tình hình, chủ động đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị, đầu mối dồn sức cho hàng loạt công tác liên quan, từ chuẩn bị đến triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

Ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập các tổ công tác đi thị sát, tìm hiểu thực tế, nguyên nhân gây chậm tiến độ các dự án, công trình để rà soát, tìm giải pháp khắc phục, cải thiện tình hình. Yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng quy định.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vừa qua, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời có các giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu vật liệu nhằm bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ cho các công trình, nhất là dự án giao thông trọng điểm.

Về phía địa phương, nhiều tỉnh/thành phố cũng vào cuộc một cách đồng bộ, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm. Trong đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 94/KH-UBND thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023. Đến hết 6 tháng năm 2023 đạt 40-45%, phấn đấu kết quả giải ngân năm 2023 đạt từ 95% đến 100%.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư có biện pháp để thực hiện giải ngân kế hoạch vốn theo lộ trình đã xây dựng; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, hoàn thành nhiệm vụ này trong 6 tháng đầu năm 2023.

Yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư rà soát kỹ khả năng thực hiện dự án để đề xuất bố trí kế hoạch vốn cho phù hợp; khắc phục tình trạng không giải ngân được hết kế hoạch vốn do tính toán, đề xuất không hợp lý…

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho thúc đẩy đầu tư công trong quý II và thời gian tiếp sau, trong đó, tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan tới hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh đầu tư trong đó có đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, quý I/2023 là trận đầu Thành phố Hồ Chí Minh thua đậm. Vì vậy, 3 quý còn lại của năm là 3 trận chung kết. Thành phố phải hành động quyết liệt không phải bằng lời nói mà là bằng hành động.

Trên bình diện chung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là ý thức trách nhiệm, tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cấp lãnh đạo. Cần suy ngẫm vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi đạt kết quả giải ngân tốt mà nơi khác lại không đạt yêu cầu.

Tỉnh Tiền Giang đứng đầu cả nước là địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trong 3 tháng đầu năm 2023 là minh chứng cho sự quyết tâm chính trị rất cao trong công tác lãnh đạo, điều hành từ UBND tỉnh, các sở ngành chức năng cấp tỉnh đến chính quyền các địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, hoạt động đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy cao trong những quý tiếp sau của năm 2023.

Nguyễn Hoài
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm