Tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chững lại
Chiều 27/9, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng UBND các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” với 400 doanh nghiệp tham dự diễn đàn.
Sau Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị 19 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Diễn đàn lần này là để các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp nêu lên những vấn đề cụ thể để thực hiện chỉ thị này cùng với những chủ trương trước đó có liên quan đến vùng kinh tế này.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý thẳng thắn nhìn nhận, cho đến nay, những vướng mắc, tồn tại trong sự phát triển của vùng vẫn là: Quy hoạch và cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, hạ tầng chưa tương xứng, thiếu liên kết vùng chặt chẽ, chưa có cơ chế điều phối liên kết nên mang tính tự phát, cục bộ; các địa phương không liên kết được với nhau nên không lan tỏa được… Từng địa phương trong vùng thậm chí đã liên kết được với thế giới nhưng trong chính Việt Nam thì lại chưa liên kết được với nhau.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là tăng trưởng của cả vùng những năm gần đây đã chững lại, từ tăng trưởng ở mức cao xuống mức trung bình cả nước. Đồng thời, hiện nay lợi thế của vùng chưa được phát huy đầy đủ nên cũng chưa có những động lực mới cho tăng trưởng.
Thêm vào đó là chất lượng phát triển đô thị còn thấp, chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chưa cùng nhau giải quyết ô nhiễm môi trường; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu. Những điều này nếu không được giải quyết, tháo gỡ sớm bằng chính sách, bằng vốn đầu tư, bằng sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thì sự phát triển của vùng không thể khá hơn được.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng nhưng nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải thụ động dừng ở vai trò quản lý, làm trọng tài. Có thể khẳng định, nếu có chủ trương, chính sách hợp lý và đột phá thì doanh nghiệp sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn trong giải quyết các vấn đề của vùng.
“Trong chiến lược phát triển vùng phải nhấn mạnh vai trò quan của doanh nghiệp. Có một cớ chế quan trọng mà chúng ta có thể làm được đó là thiết lập ngay một hội đồng doanh nghiệp vùng trên cơ sở liên kết các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Chính các hiệp hội này là nơi đề xuất, là trung tâm kết nối cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, logistic, đào tạo nhân lực thế nào. Chính các doanh nghiệp có thể đưa ra sáng kiến, đề xuất thiết thực nhất” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nói.
Với 8 tỉnh thành, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế trọng lực quan trọng, đóng góp 42,6% tổng thu ngân sách cả nước cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ có lợi thế tạo ra giá trị gia tăng cao.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực, có 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động.
Theo Minh Hạnh/VOV
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI