Tạo nguồn tôm sạch, tận dụng cơ hội ở EU, Mỹ
Tôm Việt đang có những cơ hội và đối mặt với những thách thức nào tại 2 thị trường này, khi EVFTA có hiệu lực và thuế chống bán phá giá từ POR13 bằng 0%?
Theo VASEP, EU hiện đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 452,4 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tôm xuất khẩu sang EU giảm mạnh, chủ yếu do giá tôm giảm trên toàn cầu bởi dư cung.
Về lâu dài, EU vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của tôm Việt Nam khi chiếm khoảng 23% tổng giá trị tôm xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 31% về nhập khẩu tôm trên thế giới.
TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN, cho biết, từ năm 2016, sau khi Thái Lan không còn được hưởng thuế GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) ở EU, thị phần tôm Việt tại EU tăng khá mạnh qua các năm và EU trở thành thị trường trọng điểm của tôm Việt hiện nay, vì Việt Nam đang có GSP khi xuất khẩu tôm sang EU. Sắp tới, khi EVFTA được thông qua, ưu thế của tôm Việt Nam tại thị trường này càng vượt trội vì không phải chịu thuế.
Về thị trường, EU có nhu cầu cao về tôm đông rời. Đây lại là thế mạnh của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. Các doanh nghiệp tôm Việt Nam có trình độ chế biến cao, thuận lợi cho việc thâm nhập các hệ thống phân phối lớn tại EU.
Chính vì vậy, VASEP nhận định rằng, nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
Tuy nhiên, theo TS Hồ Quốc Lực, xuất khẩu tôm sang EU sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về kiểm tra sau thông quan; đòi hỏi truy xuất nguồn gốc chặt chẽ và tôm nuôi đạt chuẩn của EU (ASC); các hệ thống phân phối cao cấp có những đòi hỏi hết sức gắt gao như quy định mật độ nuôi, quy định cách thu hoạch tôm nhân đạo, quy định thời gian từ thu hoạch tới bảo quản và tới cơ sở chế biến… Thị trường EU rộng nhưng cửa chưa mở, buộc chúng ta phải thay đổi mình, đáp ứng các chuẩn mực nêu trên mới tận dụng được cơ hội vàng này.
TS Lực cho rằng, với thị trường EU, cần tận dụng thế mạnh là chế biến hàng cao cấp có mức thuế cao như tôm luộc.
Sản phẩm này các đối thủ khác bị thuế cao (thuế cơ bản 20%), trong khi Việt Nam có mức thuế thấp nhờ GSP (còn 7%), do đó, sự chênh lệch giá thành nhập khẩu giữa tôm chế biến Việt Nam với sản phẩm cùng loại của một số nước khác là khá lớn. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng chế biến sẽ thu thêm nhiều hơn giá trị gia tăng, có thể chia sẻ lại người nuôi qua giá mua tôm nguyên liệu.
Qua đó thúc đẩy người nuôi ứng dụng các quy trình nuôi ASC, BAP…, tăng nguồn nguyên liệu để chế biến bán vào EU.
Mỹ - rủi ro nhiều hơn cơ hội?
Theo VASEP, Mỹ đang là thị trường lớn thứ 2 của tôm Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang tăng dần do tồn kho giảm, trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và nhất là giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc bởi chiến tranh thương mại (giảm 51% về lượng và 62% về giá trị trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái).
TS Hồ Quốc Lực cho biết, với tôm Việt Nam, thị trường Mỹ có những ưu thế sau: Có dung lượng dung nạp lớn với mẫu mã sản phẩm phù hợp sở trường số đông các doanh nghiệp tôm Việt; quy định của FDA khá thông thoáng, chỉ 3-5% lô hàng bị kiểm tra; mức thuế cuối cùng POR13 bằng 0%, áp dụng luôn cho POR14 là nền tảng thuận lợi về sau; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra thời cơ cho tôm Việt.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường nhiều thách thức:Khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ giá rẻ (chiếm 36% thị phần) và tôm Indonesia không bị thuế chống bán phá giá (19% thị phần); SIMP ít nhiều gây khó cho các báo cáo vì việc nuôi tôm biến động thường xuyên; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khôn lường vừa tạo ra cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra rủi ro; thuế chống bán phá giá tôm còn kéo dài.
Vì vậy, TS Lực cho rằng, Mỹ là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là thuận lợi. Do đó, với thị trường này, ngành tôm Việt nên cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng không quá lớn so với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ Chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn. Nó hòi hỏi sự chia sẻ vì quyền lợi chung, không thể vì lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng toàn ngành.
Powered by
End of content
Không có tin nào tiếp theo