Thị trường

Thái Bình: Làm đệm "sang chảnh" cho đàn bò 52 con, "cái kết" bất ngờ

Thời gian qua, nhiều mô hình chăn nuôi bò của nông dân huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đã khẳng định hiệu quả về kinh tế.

Quảng Ngãi: Hiệu quả nuôi rong nho biển trong bể xi măng / Nuôi con nhìn ghê, trồng cây đẹp phát mê, thu cả trăm triệu

Tuy nhiên, cùng với lợi ích thì việc phát triển đàn bò còn hạn chế do ảnh hưởng xấu đến môi trường từ lượng chất thải chăn nuôi bò chưa được xử lý. Mới đây, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, gia đình ông Đoàn Văn Cường, thôn Năng Tĩnh, xã Vũ Hội (Vũ Thư) đã ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò tại trang trại, bước đầu cho thấy hiệu quả cao, khác biệt rõ rệt với chăn nuôi thông thường.

thai binh: lam dem "sang chanh" cho dan bo 52 con, "cai ket" bat ngo hinh anh 1

Nền chuồng khô ráo, sạch, ấm nhờ đệm lót sinh học, giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh.

Ông Cường chia sẻ, ông bắt đầu nuôi bò từ năm 2016, quy mô chăn nuôi thường xuyên từ 40 - 50 con, hiện là 52 con bò sinh sản. Mặc dù đã quy hoạch chuồng trại khá khoa học, thoáng khí nền bê tông thuận lợi cho công tác vệ sinh chuồng trại, chú trọng thực hiện vệ sinh, thu dọn phân bò hàng ngày nhưng bên trong chuồng trại vẫn có mùi hôi nặng, những hôm có gió lớn thổi tạt mùi hôi vào khu dân cư.

Ông đã nỗ lực nhưng không biết xử lý thế nào. Vừa qua, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vận động, chuyển giao mô hình ứng dụng chăn nuôi bò trên nền đệm lót sinh học, ông Cường rất phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Triển khai mô hình này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ người chăn nuôi toàn bộ chế phẩm vi sinh, cán bộ của Chi cục, của Trạm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học chăn nuôi bò.

Đệm lót được làm bằng các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dừa... sử dụng chế phẩm EM thứ cấp phun đều lên nguyên liệu, sau đó dàn đều nguyên liệu ra nền chuồng, có độ dày khoảng 40cm, đậy kín bằng bạt hoặc nilon. Sau 1 tuần, đệm lót lên men vi sinh, tiến hành thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường.

Đặc điểm của con bò là hàng ngày thải ra lượng phân, nước tiểu rất lớn, nếu không xử lý được sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nặng. Nền chuồng là nền bê tông, nền đất như thông thường dễ khiến con bò - nhất là bò đang mang thai bị ngã do trơn trượt hoặc mất vệ sinh khiến bò bị bệnh lở mồm long móng.

 

"Nền xi măng, vào ban đêm, con bò không dám nằm hoặc bị chướng bụng do nền chuồng lạnh. Áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò có thể khắc phục hầu hết các hạn chế trên. Chúng ta đang cần chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường thì sử dụng đệm lót sinh học trong nuôi bò, chuồng trại rất vệ sinh, mùi hôi được xử lý triệt để do chất thải được các vi sinh phân hủy hết, góp phần bảo vệ môi trường....", bà Hoài chia sẻ.

Theo bà Lưu Thị Thu Hoài, công tác an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi bò được thực hiện có hiệu quả nhờ ứng dụng đệm lót sinh học vì trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt sẽ ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm phần chân, bụng cho bò giúp bò tiêu hóa tốt hơn, giảm hẳn tình trạng chướng bụng, bệnh lở mồm long móng, giúp người chăn nuôi hạn chế sử dụng thuốc thú y.

"Đối với nuôi bò sinh sản thì đệm lót sinh học còn xử lý dứt điểm tình trạng bò mẹ mang thai, bê con bị ngã do trơn trượt, gây thiệt hại kinh tế lớn. Chi phí làm đệm lót sinh học khoảng 110.000 - 120.000 đồng/m2, thông thường sau 3 tháng bổ sung thêm giá thể (nguyên liệu trấu, mùn cưa, xơ dừa...) và sau khoảng 6 tháng thì thay thế nền đệm lót. Phần đệm lót sinh học này sau khi thay thế được tận dụng làm phân bón chất lượng cao cho cây trồng....", bà Hoài cho biết thêm.

Ông Vũ Văn Hải, người lao động tại trang trại chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Đoàn Văn Cường cho biết: Trước kia, khi trang trại chưa dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi và 1 lao động khác phải mất tối thiểu 5 giờ để xịt rửa, gom phân và nước tiểu của bò nhưng chuồng trại vẫn rất hôi. Sau khi dùng đệm lót sinh học, mỗi ngày tôi chỉ cần 1 - 2 giờ để san, đảo đều phân trên bề mặt đệm lót, không vất vả lại sạch mùi hôi, chuồng trại khô ráo.

Tình trạng ruồi muỗi ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại cũng giảm trên 90%. Bản thân ông Hải thường xuyên ở trong chuồng trại và tiếp xúc với bò nên khi chuồng trại sạch sẽ, bò khỏe mạnh, ông rất mừng, cảm thấy yên tâm hơn về sức khỏe của mình. Ông Hải mong muốn trang trại sẽ luôn áp dụng đệm lót sinh học này trong chăn nuôi bò vì những lợi ích nó mang lại.

Gia đình ông Hà Văn Hòa, thôn Thanh Bản 1, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) hiện có 3 con bò và 1 con bê. Hàng ngày ông chăn thả bò ngoài đồng, chỉ ban đêm và hôm trời mưa mới nhốt bò tại chuồng. Mặc dù số lượng bò ít và thời gian bò ở chuồng trại cũng không nhiều thế nhưng khu chuồng trại của bò vẫn rất hôi, mất vệ sinh do chất thải của bò thải ra và nhiều ruồi muỗi.

 

Chuồng lại cách nhà ở của gia đình khoảng 20m nên gia đình thường xuyên phải chịu tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi. Ông Hòa rất mong muốn được hỗ trợ về chế phẩm vi sinh và kỹ thuật để thực hiện đệm lót sinh học cho chuồng trại nuôi bò của gia đình mình.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết thêm: Mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò của gia đình ông Đoàn Văn Cường là mô hình đầu tiên của huyện Vũ Thư và là 1 trong 16 mô hình toàn tỉnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ chế phẩm vi sinh.

"Địa bàn huyện hiện có trên 8.000 con trâu, bò, trong đó có một số trang trại chăn nuôi quy mô 20 con bò trở lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người chăn nuôi đầu tư kinh phí, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nhân rộng ứng dụng đệm lót sinh học tại nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi...", bà Lưu Thị Thu Hoài.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm