Thị trường

Thái Bình: Làm giàu từ nghề “ăn cơm đứng”

Những năm gần đây, người dân xã Hồng Phong (Vũ Thư) thực hiện chuyên nghiệp hóa các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm và linh hoạt đổi mới, tăng cường liên kết góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ thế, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống.

Hỏa tốc yêu cầu áp dụng thống nhất kiểm dịch y tế biên giới giáp Lào và Campuchia trong hoạt động XNK / Bắt giữ tàu Chung Ching, thu giữ hơn 3 triệu bao thuốc lá lậu

Chuyên nghiệp hóa nghề truyền thống

Trở lại xã Hồng Phong sau vài năm, chúng tôi nhận thấy nông dân nơi đây nhạy bén đổi mới các khâu sản xuất lá dâu và nuôi con tằm theo hướng sản xuất hàng hóa. Ông Trần Văn Hải, thôn Thái Phú Đoài cho biết: Trước kia, 100% các hộ đều kết hợp trồng dâu với nuôi tằm, vì vậy diện tích trồng dâu của các hộ ít, chỉ từ 2 - 5 sào dâu/hộ; sản lượng nuôi tằm tương ứng cũng thấp, mỗi hộ thường chỉ đạt 1 - 3 tạ kén/năm. Ngược lại, giờ đây bà con chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất. Khoảng một nửa số hộ, do khó khăn về lao động đã chuyển sang chuyên trồng dâu với diện tích lớn hơn, có hộ trồng vài mẫu dâu. Nguồn lá dâu này được cung cấp cho các hộ nuôi tằm quy mô lớn tại địa phương. Trung bình mỗi sào dâu cho thu hoạch 6 - 7 tạ lá dâu/năm, giá bán trung bình 5.000 đồng/kg, bà con thu về 3 - 3,5 triệu đồng/sào/năm từ cây dâu, tuy không cao nhưng không đòi hỏi nhiều công lao động và bà con có thể kết hợp sản xuất rau màu xen dâu. Do có nguồn lá dâu dồi dào nên những hộ nuôi tằm có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng trung bình đạt 1 tạ kén/hộ/tháng, nhiều hộ đạt 3 - 3,5 tạ kén/tháng. Giá kén hiện nay từ 85.000 - 110.000 đồng/kg, người nuôi tằm có nguồn thu từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng/hộ/tháng, cao gấp nhiều lần trước kia.

Bà Lê Thị Huệ, xã Hồng Phong cho biết: Trong nuôi tằm, trước kia, mỗi hộ đều mua trứng giống tằm về tự ương giống tại gia đình và chăm sóc tằm con. Đây là giai đoạn khó khăn, có nhiều rủi ro vì con tằm non nớt, lại hô hấp bằng da và rất nhạy cảm, nếu không chăm sóc và phòng bệnh đúng kỹ thuật thì con tằm con sẽ mang mầm bệnh và rất dễ bị chết hàng loạt khi lớn, gây thiệt hại lớn cho bà con. Để tránh rủi ro này, mấy năm gần đây, hơn 10 hộ có kỹ thuật tốt ở xã đã nỗ lực đảm nhận khâu ương trứng giống và tằm con để cung ứng giống phục vụ bà con nuôi tằm. Nhờ chuyên nghiệp hóa công đoạn này, bà con rất thuận lợi trong việc nuôi tằm, tỷ lệ tằm bị bệnh giảm rõ rệt, giảm rủi ro khi nuôi tằm và tăng năng suất kén tằm. Gia đình bà Huệ có 2 lao động, mỗi tháng nuôi 3 lứa tằm, thu được 1,5 - 2 tạ kén/tháng, trừ chi phí thu lãi 10 - 13 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc HTXNN Vũ Hồng (xã Hồng Phong) cho biết: Nét mới là, bắt đầu từ năm 2016 đến nay, 95% số hộ nuôi tằm ở Hồng Phong đã đầu tư lắp đặt điều hòa nhiệt độ và áp dụng kỹ thuật nuôi tằm trong phòng lạnh, nhờ đó khắc phục được khó khăn về thời tiết trong mùa hè. Ước tính năng suất, sản lượng kén tằm tăng 30% so với các năm trước kia. Ngoài ra, nếu như trước kia, sau thu hoạch kén, nông dân Hồng Phong thường ươm tơ, thì những năm gần đây, nông dân chuyển từ nuôi tằm lai lấy kén trở về nuôi tằm ré truyền thống vì nhộng tằm ré là thực phẩm có giá trị, được thị trường ưa chuộng. Giá nhộng tằm thương phẩm hiện đạt từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, tiêu thụ rất thuận lợi. Nghề trồng dâu, nuôi tằm hiện rất thịnh nhưng công đoạn ươm tơ thì không còn ở Hồng Phong.

Những nong kén vàng góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho người dân xã Hồng Phong.

Triệu phú từ nuôi tằm và kinh doanh kén

Gia đình ông Trần Duy Dũng, thôn Thái Phú Thọ hiện là một trong số hơn mười đại lý thực hiện dịch vụ cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm tại xã Hồng Phong. Ông Dũng cho hay, mỗi tháng gia đình ông cung ứng cho người dân địa phương 10kg trứng tằm giống, tương ứng với khoảng 1.000 vòng trứng tằm và thu mua khoảng 12 tấn kén tằm/tháng xuất ra thị trường. Doanh thu khoảng 1,1 - 1,3 tỷ đồng/tháng. Trừ chi phí đầu tư gia đình ông Dũng thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng, có tháng lãi hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm cho 3 - 5 lao động.

Không riêng gia đình ông Dũng, hàng chục hộ dân khác ở xã Hồng Phong đã trở thành triệu phú nhờ nghề nuôi tằm và kinh doanh kén. Ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: 85% trong tổng số 2.100 hộ dân của xã hiện làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Diện tích đất trồng dâu của xã duy trì 257ha từ nhiều năm qua. Nhằm phát huy nghề trồng dâu, nuôi tằm, xã đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương đưa giống dâu mới cho năng suất cao hơn về đồng đất địa phương và chuyển giao mô hình nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm trong phòng lạnh góp phần nâng cao năng suất kén tằm. HTX NN Vũ Hồng và Vũ Phong nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi trên cánh đồng dâu, bảo đảm đưa nước tưới tới 100% ruộng dâu và tiêu thoát nước thuận lợi khi có mưa lớn. Cùng với sự vào cuộc của địa phương, nông dân Hồng Phong nhạy bén đổi mới sản xuất và làm tốt khâu liên kết, nghề trồng dâu, nuôi tằm trở thành nghề sản xuất hàng hóa.

Với năng suất đạt 50kg kén/sào, tổng sản lượng kén toàn xã trung bình đạt trên 350 tấn/năm, thu về trên 30 tỷ đồng/năm từ trồng dâu, nuôi tằm. Năm 2019, năng suất kén tằm tăng, ước tính đạt 55kg kén/sào, giá kén đạt từ 85.000 - 110.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, các hộ dân có 1 năm trồng dâu, nuôi tằm bội thu. Nhiều hộ vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú từ chính nghề truyền thống, giúp người dân thêm gắn bó, duy trì, bảo tồn và phát huy nghề “ăn cơm đứng” mà cha ông truyền lại.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm