Thị trường

Thái Bình: Lắp điều hòa cho tằm 'nhả vàng'

Để nâng cao năng suất, hiệu quả nghề trồng dâu nuôi tằm, HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã đồng hành cùng người dân trong sản xuất, trong đó có việc đưa tằm vào nuôi trong phòng điều hòa.

Lạng Sơn: Xử phạt nghiêm cơ sở bán hàng giả mạo nhãn hiệu Adidas trên Facebook / TP.HCM: Xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm ước đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7%

Hiện tại, HTX Hồng Xuân có 100 hộ thành viên đang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu của HTX là 27 ha, chủ yếu là đất bãi. Các giống tằm nuôi là H15 và H17, đều là giống mới, cho năng suất cao và được nhập từ những địa chỉ uy tín.

Làm chủ thời tiết

Tuy nhiên, điều khó khăn trong quá trình sản xuất là điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và biến đổi thất thường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tằm. Trước thực trạng đó, sau khi học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật từ các đơn vị uy tín, HTX Hồng Xuân đã hướng dẫn người dân chuyển từ phương pháp nuôi tằm truyền thống sang nuôi trong phòng điều hòa.

Với chi phí đầu tư khoảng 6 - 8 triệu đồng/phòng lạnh diện tích từ 30 - 40m2, hầu hết các thành viên và người dân trên địa bàn xã đã đầu tư lắp điều hòa phục vụ nuôi tằm.

HTX Hồng Xuân hướng dẫn người dân nuôi tằm trong phòng điều hòa (Ảnh TL)

HTX Hồng Xuân hướng dẫn người dân nuôi tằm trong phòng điều hòa (Ảnh TL)

Theo Ban giám đốc HTX, tằm là loại côn trùng có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm là 25 - 30 độ C. Nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của tằm - tằm dễ phát sinh bệnh, năng suất kén giảm. Chính vì vậy, đầu tư lắp điều hòa giúp người nuôi tằm có thể làm chủ thời tiết, nâng cao năng suất, chất lượng kén.

Ông Vũ Hữu Định, thành viên HTX, cho biết từ năm 2016, ông đầu tư 1 máy điều hòa công suất 9000 BTU cho phòng 20m2. Mỗi tháng nuôi 3 lứa tằm giúp ông thu về 12 - 14 triệu đồng, trừ chi phí lãi 10 triệu đồng. Phương pháp này giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

“Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nghề nuôi tằm xưa vất vả là thế, nay nuôi tằm trong phòng lạnh thì mọi việc đơn giản hơn. Tùy theo diện tích phòng và số vòng tằm nuôi mỗi lứa mà người nuôi lắp điều hòa có công suất phù hợp kết hợp với điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.

Điều kiện đặt ra là đã nuôi tằm trong phòng điều hòa thì không lúc nào được tắt điều hòa, vì khi thay đổi không khí bên ngoài với trong phòng điều hòa thì con tằm rất dễ bị bệnh.

 

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, HTX Hồng Xuân còn hướng dẫn người dân thay đổi giống dâu mới cho năng suất lá cao, nên nguồn thức ăn cho tằm luôn đảm bảo.

Khôi phục nghề truyền thống

Để thuận lợi cho quá trình sản xuất, HTX phân chia mỗi hộ thành viên đảm nhận một công đoạn. Hộ nuôi tằm con trong vòng khoảng 11 ngày, sau đó xuất cho hộ khác nuôi tiếp 11 ngày là xuất kén ra thị trường, giá mỗi kg kén khoảng 90 - 100 nghìn đồng. Có một số gia đình thu nhập từ nghề này hàng trăm triệu đồng/năm.

Người dân có thể quay vòng 10 lứa kén/năm thay vì 3 lứa kén/năm như trước (Ảnh: TL)

Người dân có thể quay vòng 10 lứa kén/năm thay vì 3 lứa kén/năm như trước (Ảnh: TL)

 

Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nếu nuôi tằm bằng phương pháp truyền thống, một vòng tằm chỉ thu được 1 - 2kg kén. Do hiệu quả kinh tế thấp, nhiều hộ đã đốn dâu, bỏ nghề, chuyển sang làm vườn hoặc chăn nuôi. Tuy nhiên, từ khi áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh, hiệu quả kinh tế cao, ổn định, những hộ trước đây bỏ nghề đã quay trở lại với nghề truyền thống.

Nếu như trước kia, nuôi tằm thắng hay thua còn trông vào thời tiết nóng hay lạnh, nhưng giờ đây có phòng lắp điều hòa thì nuôi lứa nào, người dân chắc thắng lứa đấy. Nhờ có HTX đứng ra hỗ trợ thị trường nên kén sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.

Hiện, người dân có thể quay vòng 10 lứa kén/năm thay vì 3 lứa kén/năm như trước. Thành công từ phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh mở ra phương thức làm ăn mới cho người dân xã Hồng Lý.

Theo UBND xã Hồng Lý, hiện toàn xã có hơn 1.000 hộ nuôi tằm với diện tích trồng dâu lên đến hơn 250 ha, trong đó số hộ "chịu chơi" lắp điều hòa, xây phòng lạnh để nuôi tằm chiếm gần 80%. Từ khi áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp người dân mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm