Thị trường nào sẽ 'cứu nguy' cho ngành cá tra?
Một năm vui buồn của xuất khẩu cá tra / Cơ hội nào cho cá tra trên sân nhà?
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau 3 năm liên tục tăng trưởng tốt đặc biệt là thành công trong năm 2018 thì xuất khẩu cá tra lại giảm 11% trong năm 2019 với giá trị đạt 2 tỷ USD. Điều này không ngoài dự báo của Vasep khi nhận thấy sản lượng cá tra nuôi đã tăng nhanh từ năm 2018 và việc dư nguồn cung là nguyên nhân chính cho giá XK giảm mạnh tại tất cả thị trường.
Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra tại Vũ Hán, XK sang thị trường Trung Quốc giảm 50% trong 2 tháng đầu năm do gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển, kho bãi.Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Vasep cho rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đa dạng sản phẩm và củng cố chất lượng để tìm những con đường mới.
Một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số đứng thứ hai sau Trung Quốc. Thị trường này khá đặc biệt vì không ăn thịt phổ biến như bò và lợn mà chỉ ăn cừu, dê, gà và thủy hải sản.
Theo ước tính, Ấn Độ nuôi khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại quốc gia này chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra phi lêthịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam.
Hiện tại, sản phẩm cá tra phi lêViệt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng tại Ấn Độ. Thuế nhập khẩu vào Ấn Độ đối với hàng cá tra phi lê còn rất cao (65%) cùng với hệ thống kho lạnh, siêu thị chưa được đầu tư đầy đủ cho mặt hàng đông lạnh, nhưng đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng cho cá tra Việt Nam.
Đồng thời, Vasep cũng cho biết, ngày 12/2/2020 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. EVFTA dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 5/2020 và có thể có hiệu lực vào tháng 7/2020, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp XK cá tra. Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới.
Việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng (Cod, Pollock) tại Trung Quốc chưa làm việc trở lại dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng, đặc biệt là tại thị trường EU, cũng là cơ hội trước mắt cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.
Với thị trường Mỹ, Vasep cho biết lượng hàng tồn kho cũng đã hết. Cuối năm 2019, Mỹ chính thức công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes XKcủa Việt Nam tương đương với Mỹ là tin vui đối với các doanh nghiệp XKcá tra Việt Nam sang thị trường này. Quan trọng hơn nữa, khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến XKcá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường XKkhông chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.
Để sẵn sàng cho các cuộc "tấn công" vào các thị trường trên, Vasep khuyến cáocác hộ nuôi nên thu hoạch tỉa và có kế hoạch thả nuôi thưa, cho cá ăn bớt lại chứ không nên để cá nhịn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá và chất lượng thịt, gây thiệt hại cho người nuôi.
"Thời điểm hiện nay được đánh giá không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam nỗ lực vượt qua thử thách, mà còn là cơ hội để các nhà nhập khẩu tại thị trường Mỹ và EU mua cá tra với giá tốt khi thị trường nhập khẩu lớn là Trung Quốc đang bị gián đoạn", Vasep nhận định.
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng khuyến cáo người nuôi chủ động giảm sản lượng để sản lượng cá tra năm 2020 ở mức 1,2 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2019.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Thời điểm này là cơ hội để các nhà nhập khẩu Mỹ, EU mua cá tra của Việt Nam với giá tốt (Ảnh: Internet)