Ngành hàng cá tra chờ cơ hội phục hồi
Thị trường Colombia chưa hấp dẫn với cá tra Việt Nam / Cá tra 'tiến thoái lưỡng nan'
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp (DN) cá tra hàng đầu Việt Nam và thế giới với vị thế chiếm lĩnh 15% thị phần toàn ngành. Hồi năm ngoái, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra của DN này.
“Cú sốc” xuất khẩu
Vì vậy, khi Trung Quốc xảy ra dịch Covid-19 làm cho XK cá tra của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị. VHC cũng không thoát được điều này, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên lợi nhuận của công ty trong năm nay có thể sụt giảm 10%.
Giới phân tích dự phóng sản lượng XK của ngành hàng cá tra Việt nói chung sẽ giảm 17% trong năm 2020, sau đó phục hồi 20% trong năm 2021 và 17% trong năm 2022. Với quý I/2020, XK cá tra từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giảm khoảng 60%, sau đó dần phục hồi trong quý II.
Riêng với Vĩnh Hoàn, do thị trường Mỹ vẫn là thị trường chính yếu (chiếm đến 60% thị phần năm 2018), nên sức tác động của dịch Covid-19 từ thị trường Trung Quốc với DN này với mức sụt giảm 10% lợi nhuận vẫn được cho là ít so với những DN XK cá tra khác vốn đang chọn Trung Quốc là thị trường chính.
Hơn nữa, với mảng collagen và gelatin (C&G) đang gia tăng công suất 75% và có kế hoạch đi vào hoạt động giữa năm 2020, theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mảng này của VHC sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 khi khách hàng của công ty chủ yếu là các DN thực phẩm đóng gói và dược phẩm, đồng thời sản lượng XK sang Trung Quốc không đáng kể.
Còn với CTCP Nam Việt, thị trường Trung Quốc vốn chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 30%) trong tổng kim ngạch XK, nên đã chịu ảnh hưởng lớn trước tác động của dịch Covid-19. Thậm chí, giá cổ phiếu của DN này cũng lao dốc từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Hoặc như CTCP thuỷ sản Hùng Vương, vốn kỳ vọng lớn vào thị trường Trung Quốc trong năm 2020 với nhiều dư địa khi nhu cầu tiêu thụ cá tra rất cao, nhưng trước tác động của dịch Covid-19, giới phân tích cho rằng rõ ràng đây là “cú sốc” với DN này.
Theo nhận định trong ngày 19/2 của một chuyên gia phân tích thuộc Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến XK cá tra sang thị trường Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn. Đây là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, nên ngay khi diễn biến thị trường thay đổi đã tác động tới sản xuất cá tra nguyên liệu.
Vẫn chờ chuyển hướng
Chuyên gia này cũng lưu ý tình hình dịch bệnh do Covid-19 còn diễn biến phức tạp, do đó người nuôi và DN cần chủ động chuyển hướng thị trường, cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch nuôi trồng, sản xuất và XK sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ.
Cần nhắc lại, hồi năm 2019, Trung Quốc là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, tăng 28,8% so với năm trước, chiếm 31% tổng giá trị XK cá tra. Trong năm nay, thị trường này vẫn là “điểm ngắm” đối với hơn 125 DN chế biến cá tra ở Việt Nam, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh với một số DN trong ngành hàng cá tra ở các tỉnh phía Nam hiện nay cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đa phần DN đang có nhiều đơn hàng bị chậm trễ hoặc không ký thêm được hợp đồng mới. Trong khi đó, do sản lượng cá tra nguyên liệu quá cỡ tăng khiến nhiều DN đang phải gấp rút thu hoạch, chế biến.
Theo dự báo, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, giá cá tra có thể sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới, sau khi đã sụt giảm khoảng 44% vào năm 2019 so với năm 2018.
Đến tháng 1/2020, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm xuống mức 20.500 - 21.000 đồng/kg và giá cá tra philê đông lạnh XK cũng biến động tăng giảm theo giá cá nguyên liệu.
Tuy nhiên, nếu thị trường XK ổn định trở lại (đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc), giá cá tra được cho là sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo của năm nay.
Với sản lượng cá tra trong năm 2020 được cho là khoảng 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019, vấn đề đầu ra vẫn đang là bài toán lớn khi mà thị trường Trung Quốc gặp sự cố.
Trong khi đó, không ít DN trong ngành hàng cá tra đang nghĩ đến việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Như chia sẻ của ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), việc mang con cá tra “hồi hương” vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là trách nhiệm của DN Việt.
Theo ông Thiện, lâu nay ngành hàng cá tra chỉ chăm chăm đến việc XK, nên khi XK gặp vấn đề khó khăn hoặc “dội chợ” vì thừa sản lượng thì rõ ràng con cá tra rất bấp bênh và mỏng manh. Do đó, thị trường nội địa cần phải được nghĩ là một nhu cầu bức thiết, vừa mang đến sự bền vững cho ngành hàng này.
Tuy nhiên, cơ hội tiêu thụ cá tra chế biến ở ngay thị trường trong nước lại chưa nhiều, vì hầu hết người tiêu dùng vẫn nghĩ cá tra nuôi không sạch, khiến cho các DN trong ngành hàng cá tra còn băn khoăn trong chuyện “hồi hương”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh