Thị trường

Thời cơ cho xuất khẩu trái dừa

Mỹ, Bangladesh, Israel… mở cửa thị trường với trái dừa tươi Việt Nam; Nhật Bản, Hàn Quốc không còn bị hạn ngạch. Nhiều khả năng thời gian tới trái dừa cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Quảng Nam: Phát huy lợi thế về kết nối các cụm liên kết công nghiệp / Doanh nghiệp Mỹ muốn cung cấp điện 'giá phải chăng' cho Việt Nam

Những tín hiệu tích cực từ thị trường đang là động lực để nông dân các vùng trồng dừa bắt tay vào cải tạo vườn dừa, liên kết với doanh nghiệp thúc đẩy ngành hàng này phát triển.

Chú thích ảnh
Thu mua dừa xiêm xanh của người dân. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Từ khi Mỹ chấp thuận nhập khẩu trái dừa Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp đã xuất khẩu được 4 container.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, trái dừa đang có công nghệ bảo quản tốt, có khả năng đi xa. Bản thân trái dừa cũng sạch nên khâu quản lý dịch hại cũng bớt vất vả hơn so với các loại trái cây khác. Do đó, rủi ro về vi phạm đối tượng kiểm dịch, an toàn thực phẩm cũng ít hơn. Doanh nghiệp lựa chọn vùng trồng chính ở Bến Tre nên nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp luôn ổn định.

Nhờ đưa thêm được mặt hàng sang thị trường mới nên doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng lên, góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu rau quả nói chung, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.

Cũng như nhiều nông sản khác, giá dừa luôn bấp bênh, chịu cảnh “được mùa mất giá” thường xuyên. Từ khi thị trường trái dừa được xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt gần đây là Mỹ, thị trường dừa trong nước cũng sôi động hơn.

Nhờ những tín hiệu từ xuất khẩu dừa tươi, giá dừa khô cũng có sự tăng lên ổn định hơn. Người trồng dừa ở Bến Tre cũng vui mừng khi thị trường dừa có dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn lên xuống thất thường. Giá dừa khô gần đây ở Bến Tre được thương lái thu mua với giá từ 70.000 đến hơn 80.000 đồng/chục (12 trái), tăng khoảng 20.000 đồng/chục so với cách đây 4 tháng và khoảng 50.000 đồng/chục so với thời điểm đầu năm.

 

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nếu dừa Việt Nam mở cửa được thị trường Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới thì dự kiến tiêu thụ dừa tươi sẽ được tiêu thụ mạnh vào mùa hè năm sau.

Bên cạnh đó, các đơn vị chế biến cũng xuất khẩu sản lượng lớn dừa chế biến như: dừa khô, cơm dừa, sữa dừa, dầu dừa… Đây sẽ là những sản phẩm phục vụ tốt khi thị trường vào mùa Đông. Đây cũng chính là dư địa của ngành hàng này có thể tiếp tục bứt phá thời gian tới.

Hiện dừa làm thực phẩm xuất khẩu hàng năm đặt khoảng 250 triệu USD; trong đó 2/3 là sản phẩm chế biến. Nếu tiếp tục gia tăng xuất khẩu được dừa tươi thì giá trị xuất khẩu dừa sẽ có nhiều khởi sắc hơn, thu nhập người trồng dừa cũng tốt hơn, không bị bấp bênh như thời gian vừa qua. Đó là động lực để nông dân chăm sóc, đầu tư vườn dừa, ông Đặng Phúc Nguyên.

Còn theo tính toán của Hiệp hội Dừa Việt Nam, với đa giá trị các sản phẩm từ cây dừa, trái dừa, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa năm 2022 đã đạt trên 900 triệu USD.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, thời gian vừa qua, doanh nghiệp ít quan tâm đến sản phẩm dừa tươi. Cơ hội từ thị trường mở ra được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này thời gian tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều nhà máy chế biến dừa nhưng nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu. Nếu mở cửa được thị trường này với sản phẩm dừa, đây sẽ là cơ hội cho trái dừa Việt Nam.

 

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cơ hội thị trường mở ra nhưng cũng đặt ra không ít điều đáng lo. Đó là các doanh nghiệp trong tâm thế để xuất khẩu trái dừa chưa có nhiều.

“Khi nhiều nước mở cửa thị trường, doanh nghiệp sẽ đầu tư vội vã. Doanh nghiệp không có đủ thời gian đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường”, ông Cao Bá Đăng Khoa cho hay.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, hiện nay chỉ khoảng 20 doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ về ngành hàng dừa. Các doanh nghiệp nhỏ thường không có nghiên cứu chiều sâu về thị trường, vội vã xuất khẩu sẽ rất dễ tạo ra “làn sóng” với trái dừa như giá sầu riêng hiện nay.

Vừa qua, để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra thực địa của Trung Quốc, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tập huấn, hướng dẫn nông dân canh tác dừa xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế; trong đó có việc cấp mã số vùng trồng để chủ động quản lý, khoanh vùng diện tích trồng dừa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, để giá dừa bền vững, doanh nghiệp ngành dừa cần tăng cường chế biến, xuất khẩu để tạo ra những mặt hàng có giá trị cao, đồng thời xây dựng mã vùng trồng cho dừa, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất hữu cơ.

 

Nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, khoảng 30% sản phẩm dừa của tỉnh được chế biến sâu để xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân, tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; trong đó, ưu tiên phát triển vùng dừa hữu cơ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm