Thị trường

Quảng Nam: Phát huy lợi thế về kết nối các cụm liên kết công nghiệp

DNVN - Tại hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ năm 2023 do Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 12/9), Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, hiện công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành then chốt, mũi nhọn của tỉnh.

Đà Nẵng: Bảo đảm an toàn du lịch dịp lễ 2/9 / Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt – may phát triển rõ rệt

Theo đó, giai đoạn 2011 – 2020, Quảng Nam huy động được nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 217 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD, tăng bình quân 12,5%/năm. Trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh thu hút gần 47.400 tỷ đồng đầu tư, chiếm gần 2% tổng vốn đầu tư trên địa bàn; phần lớn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư trong nước và chủ yếu vào ngành ô tô.

Quảng Nam nghiên cứu xây dựng, tạo lập nên cụm liên kết ngành công nghiệp cơ khí và CNHT trên cơ sở lấy Thaco Industries làm nòng cốt và là đầu tàu thúc đẩy.

Quảng Nam nghiên cứu xây dựng, tạo lập nên cụm liên kết ngành công nghiệp cơ khí và CNHT trên cơ sở lấy Thaco Industries làm nòng cốt và là đầu tàu thúc đẩy.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quảng Nam thu hút được một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô và dệt may; sản phẩm thiết bị điện, linh kiện điện tử.

Trong đó, CNHT ngành dệt – may đã có sự phát triển rõ rệt, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư. Ước tính đến nay Quảng Nam có khoảng 25 dự án (chủ yếu là doanh nghiệp FDI với 16 dự án) hoạt động trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động.

Các dự án này chủ yếu tập trung trong các khu, cụm công nghiệp (gồm 16 dự án trong KCN, 7 dự án trong cụm công nghiệp và 2 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp), với các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may như vải, sợi, hoàn thiện sản phẩm dệt (bao gồm tẩy hoặc nhuộm vải dệt), hồ vải, chỉ, khuy nút, dây kéo, nhãn mác, in các loại hoa văn lên vải, bao bì giấy, nhựa cho ngành may và dệt kim may.

Thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ô tô

Đáng chú ý, đại diện Sở Công Thương Quảng Nam tham dự hội thảo, ông Võ Ngọc Nghĩa - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, cho biết, Thaco là điểm sáng về công nghiệp cơ khí và CNHT trong phát triển công nghiệp của tỉnh.

Hiện nay Thaco đã có 7 nhà máy lắp ráp xe (Thaco Kia, Thaco Mazda, Thaco Luxury Car, Thaco Royal, Thaco Tải, Bus Thaco và Thaco Motor) tại Quảng Nam. Cùng với đó, Thaco đã đầu tư xây dựng và hình thành Công ty TNHH cơ khí và CNHT Thaco Industries với 19 nhà máy (như nhà ghế ghế ô tô, nhà máy phụ tùng điện ô tô, nhà máy kính ô tô…). Ngoài ra còn có các đơn vị hỗ trợ gồm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D Center), Trường cao đẳng Thaco.

Phó trưởng phòng Quản lý công nghiệp Võ Ngọc Nghĩa đại diện Sở Công Thương Quảng Nam phát biểu tại hội thảo.

Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Võ Ngọc Nghĩa đại diện Sở Công Thương Quảng Nam phát biểu tại hội thảo.

Đáng chú ý, ngoài Tập đoàn Thaco, những năm gần đây Quảng Nam đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó có nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina (vốn đầu tư 27 triệu USD của Hàn Quốc); nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo (10,3 triệu USD của Hàn Quốc); nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam (35 triệu USD của Hàn Quốc); nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô (5 triệu USD của Hàn Quốc).

Theo ông Võ Ngọc Nghĩa, nhìn chung công nghiệp cơ khí - CNHT cũng như sản xuất, lắp ráp ô tô, dệt may, da giày, công nghiệp sản xuất đồ uống và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác đã giúp Quảng Nam có những bước phát triển vượt bậc. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 – 2020 tăng gần 4 lần (từ hơn 10.448 tỷ đồng lên hơn 40.786 tỷ đồng); chi đầu tư phát triển tăng gấp 2 lần (từ 3.350 tỷ đồng lên 7.321 tỷ đồng).

Tạo lập các cụm liên kết ngành công nghiệp

Theo Sở Công Thương Quảng Nam, trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT trên địa bàn tỉnh thì sự ra đời và phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy quan trọng. Cùng với đó là việc phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, may mặc, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, linh kiện ô tô) đã làm tăng vượt bậc giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2020 đạt 7,64 tỷ USD. Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ khu vực và thế giới đã có dự án đầu tư ở Quảng Nam, do vậy thời gian tới, kim ngạch xuất nhập của tỉnh sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp Quảng Nam thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, chính sách phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã tạo cho Quảng Nam có lợi thế rất lớn về kết nối với các tỉnh/thành lân cận, vùng Tây Nguyên, các nước Lào và Campuchia để phát triển và tạo lập các cụm liên kết ngành công nghiệp.

“Đơn cử việc nghiên cứu xây dựng, tạo lập nên cụm liên kết ngành công nghiệp cơ khí và CNHT trên cơ sở lấy Thaco Industries làm nòng cốt và là đầu tàu thúc đẩy là một nhu cầu từ thực tiễn và dựa trên những điều kiện hiện có của tỉnh Quảng Nam”, ông Võ Ngọc Nghĩa nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm