Thu thuế kinh doanh online vẫn bập bõm
Doanh nghiệp lúng túng trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa / Top 10 đồng hồ nam đáng sở hữu nhất thế giới
Chưa triệt để ở cả hai “chốt chặn”
Sau trường hợp truy thu được hơn 6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT) từ hai cá nhân kinh doanh online nhờ vào việc phối hợp giữa ngành thuế các địa phương (TP.HCM và Quảng Nam) và sự giúp sức của một số NHTM, Cục Thuế TP.HCM đã mạnh dạn hơn trong việc truy thu các khoản thuế mà người kinh doanh online “quên” nộp ngân sách.
Theo đó, Cục Thuế TP.HCM đã gửi văn bản đến 4 NHTM (không được nói rõ là ngân hàng nào) đề nghị cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân có mở tài khoản, có nhận thu nhập từ các trang mạng xã hội. Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, thông qua thông tin từ 4 ngân hàng kể trên, đơn vị này đã rà soát và phát hiện từ 2014-2017 có gần 600 tổ chức và hơn 17.100 cá nhân có nhận thu nhập từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube... với tổng số tiền hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, đa số các cá nhân, tổ chức đang cư trú tại TP.HCM, nếu không tự giác kê khai và nộp thuế sẽ bị cơ quan thanh tra thuế kiểm tra và cưỡng chế truy thu.
Khó kiểm soát được doanh số bán hàng online do hình thức thanh toán đa dạng |
Theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng gần 300 sàn giao dịch thương mại điện tử, hơn 8.100 trang web và 73 trang mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động. Cục thuế TP.HCM đã phát thư mời đến khoảng 13.500 chủ tài khoản để mời đến cơ quan thuế tư vấn, hướng dẫn về nghĩa vụ nộp thuế khi kinh doanh online. Sau khi nắm thông tin về tài khoản và các giao dịch thương mại điện tử, cơ quan thuế ở cấp chi cục sẽ xác minh địa chỉ. Nếu cá nhân, tổ chức nào có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, Cục Thuế sẽ gửi văn bản yêu cầu nộp thuế.
Cách làm trên của cơ quan thuế, thoạt nhìn thì có vẻ khá triệt để nhưng thực tế chứa nhiều lỗ hổng và không dễ dàng thực hiện. Bởi hiện nay kinh doanh online cơ bản chia làm 2 phạm vi chính là phạm vi nội địa và phạm vi quốc tế. Ở phạm vi nội địa, con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy chỉ riêng tài khoản bán hàng qua trang Facebook đã đạt khoảng 27.000. Việc thanh toán, giao dịch hàng hóa qua tài khoản tại các NHTM trong nước, sử dụng các ví điện tử hoặc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt từ các cá nhân, tổ chức này là rất linh hoạt. Vì vậy, cơ quan thuế muốn kiểm soát được số lượng giao dịch và doanh thu là không hề dễ dàng.
Trong khi đó ở phạm vi quốc tế thì tình hình lại còn khó khăn gấp bội. Đến thời điểm hiện nay chỉ riêng Facebook và Google đang chiếm hơn 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam với doanh thu hơn 200 triệu USD/năm nhưng việc thu thuế từ những “ông lớn” hiện nay vẫn chưa có lời giải. Ngay cả khi Facebook và Google chuyển trả tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam thì đến nay, mới chỉ có khoảng 4-5 trường hợp bị truy thu thuế với tỷ lệ không đáng kể so với tổng số thu nhập mà các trang mạng xã hội trả cho các tổ chức cá nhân là khách hàng của mình tại Việt Nam mỗi năm có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bất hợp lý khi kéo ngân hàng vào cuộc
Việc tích cực truy thu các khoản thuế đối với kinh doanh online như cách làm của Cục Thuế TP.HCM và ngành thuế nói chung đương nhiên là một định hướng đúng và cần thiết để hạn chế thất thu ngân sách. Tuy nhiên việc lôi kéo các NHTM, theo cách gửi văn bản “đề nghị cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân có mở tài khoản, có nhận thu nhập từ các trang mạng xã hội” như ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM thông tin lại không được dư luận đồng tình và ủng hộ.
Ở góc độ NHTM, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại quận Bình Thạnh cho rằng, ngân hàng chỉ là trung gian thanh toán, để bảo vệ thông tin cá nhân khách hàng của mình, việc cung cấp thông tin tài khoản cá nhân và sao kê, chỉ có thể thực hiện được khi ngành thuế hoặc cơ quan công an chỉ ra cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hay chây ì, trốn thuế và phải có giấy đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc trừ tiền thuế trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của khách hàng thì càng không thể thực hiện được khi chưa có văn bản pháp luật nào cho phép và hướng dẫn, nếu thực hiện ngân hàng sẽ vi phạm Luật Các TCTD.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Phan Minh Ngọc - Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore) cho rằng, đến thời điểm hiện tại mặc dù dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, nhưng nhiều nhiệm vụ “trao nhầm đối tượng” vẫn đang được quy định, điều đó là bất hợp lý.
Theo ông Ngọc, ở Điều 27 của Dự thảo, mặc dù đã chỉ rõ phạm vi phối hợp của các NHTM với cơ quan thuế nhưng không quy định rõ ràng ngân hàng như thế nào thì được hoặc phải phối hợp, khi phối hợp truy thu thuế thì NHTM được hưởng lợi ích gì? Bởi xét đến cùng nhiệm vụ thu nộp ngân sách là trách nhiệm của mạng lưới thuế và Kho bạc Nhà nước. Các NHTM chỉ là trung gian thực hiện giao dịch chứ không phải “cánh tay nối dài” của ngành thuế, vì vậy không có tư cách pháp lý đại diện cho cơ quan thuế để làm những công việc của đơn vị này. Ngoài ra, ngay cả khi Cơ quan Thuế và Kho bạc Nhà nước cho rằng họ thiếu nhân sự hoặc quá tải nên buộc phải thuê các NHTM giúp thêm thì cũng không được phép luật hóa, vì hành vi này thuộc về lĩnh vực phối hợp liên ngành không thể quy định cứng nhắc bằng luật.
Mới đây NHNN cũng đã có văn bản trả lời về đề xuất ngân hàng tham gia vào một số khâu trong phối hợp truy thu thuế đối với cá nhân có thu nhập lớn từ kinh doanh thương mại điện tử của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà bộ này đang xây dựng. NHNN khẳng định: Quản lý thuế là chức năng của ngành thuế nên việc quy trách nhiệm cho NHTM là không phù hợp. Cụ thể, việc quy định thêm trách nhiệm phối hợp trong quản lý thuế là không phù hợp với chức năng và các mục tiêu của NHNN. Qua rà soát kinh nghiệm quốc tế, NHNN chưa thấy có quốc gia nào có quy định tương tự đối với NHTW.
Đối với đề xuất NHTM tự động khấu trừ tiền trên tài khoản của khách hàng để nộp thuế mà không được sự đồng ý của khách hàng, NHNN cho biết, nếu làm điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và không phù hợp với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam