Thị trường

Thủ tướng: Chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy khu vực tư nhân 'khỏe' và 'mạnh'

(DNVN) - Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF) diễn ra sáng 05/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển và coi đây là động lực tăng trưởng quan trọng trong thập niên tới.

Dòng vốn rút từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam: Cơ hội đi kèm với nỗi lo / Xuất khẩu điện thoại 11 tháng đem về doanh thu kỷ lục hơn 46 tỷ USD

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) - cho biết để phát triển khu vực tư nhân, cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực và tăng trưởng xanh, sẽ cần những thể chế của nhà nước có năng lực và hiệu quả.
Kinh tế Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhưng hành trình trở thành một nền kinh tế hiện đại hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam mới chỉ mới bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.
Theo đó, ông Ousmane Dione đề xuất 4 giải pháp ưu tiên, đó là cải cách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước; tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn; đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ đột phá thay đổi nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giải quyết vấn đề chi phí môi trường ngày càng lớn.
Trong khi đó, đề cập tới việc xây dựng kế hoạch phát triển từ nay đến 2030, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, Chính phủ cần phải quan tâm đến những diễn biến xấu, trong đó dự báo đến cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.
Nói về sự thay đổi tình hình thế giới, ông đưa ra nhiều nhận định về xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nên chọn hòa bình, hợp tác, thông qua thương lượng để có hòa bình, hợp tác; đồng thời càng phải đa dạng hóa, đa phương hóa hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự VRDF. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham dự VRDF. (Ảnh: VGP)

Kết luận Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất (VRDF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngoài việc thực hiện ba đột phá liên quan tới thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, để để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới. Đó là thúc đẩy năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 và thúc đẩy sự phát triển, phát huy khu vực kinh tế tư nhân. Và coi đây là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới.
Thủ tướng nhất trí với nhận định của các chuyên gia rằng việc thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân là một trong các đòn bẩy quan trọng, tạo sức cạnh tranh, tạo sự linh hoạt cho nền kinh tế trong điều kiện môi kinh tế quốc tế và khoa học công nghệ nhiều biến động.
Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu trong khu vực tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến con đường trong điều kiện hiện tại để Việt Nam có được khu vực tư nhân ‘khỏe’ và ‘mạnh’ không phải ở số lượng doanh nghiệp nhiều mà là ở tiềm lực, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ liên quan, tổng hợp các phát hiện, đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn hôm nay, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, triển khai các biện pháp cụ thể phát huy các động lực phát triển hiệu quả, thiết thực.
Đến hết năm 2017, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45 (Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) thì quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 647 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm.
Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.
Đặc biệt, các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc.


Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm