Thị trường

Ngành xuất khẩu chủ lực: Nhiều kỳ vọng trong năm 2019

Những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ được dự báo sẽ cán đích kim ngạch năm 2018 sớm, và đang đặt nhiều kỳ vọng vào những cơ hội bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm tới 2019.

Dòng vốn rút từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam: Cơ hội đi kèm với nỗi lo / GFS hợp tác với doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc

Tưng bừng về đích

Theo bản tin kinh tế dệt may tháng 11 năm 2018 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 10 tháng năm 2018 đạt gần 30 tỷ USD, tăng 16,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong 2 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên con số 36 tỷ USD, vượt kế hoạch ban đầu khoảng hơn 1 tỷ USD.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, tình hình xuất khẩu dệt may đến thời điểm này có nhiều thuận lợi, nhờ các thông tin như việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như tín hiệu từ FTA Việt Nam – EU…
Cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực, ngành gỗ đầy tự tin về đích khi hết tháng 11 đạt kim ngạch hơn 8 tỷ USD. Báo cáo từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong 10 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,612 tỷ USD, bằng 84% kế hoạch năm; tăng 16,12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM nhận định, tháng cuối cùng trong năm là mùa cao điểm giao hàng cho khách, nên đích đến 9 tỷ USD hoàn toàn có thể thực hiện cho toàn ngành.
Ngành xuất khẩu chủ lực: Nhiều kỳ vọng trong năm 2019 ảnh 1
Dây chuyền sản xuất đồ chơi bằng gỗ xuất khẩu. Ảnh: LONG THANH

Riêng với ngành da giày và túi xách, khi trao đổi cùng ĐTTC, Hiệp hội Da giày TPHCM cho biết chưa có con số chính xác về kim ngạch xuất khẩu tháng 11 này, nhưng theo kết quả tính đến hết tháng 10 vừa qua và tình hình của 2 tháng cuối năm, ngành da giày và túi xách cũng sẽ cán đích với kế hoạch được đưa ra từ hồi đầu năm khoảng 19,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2017.

Đợi những cú hích của 2019

Bước qua năm 2019, CPTPP đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành hàng của Việt Nam. Theo phân tích của ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn khi CPTPP có hiệu lực.
Chẳng hạn mặt hàng dệt may: Canada xóa 100% thuế vào năm thứ 4, trong đó 42,9% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Nhật Bản gần 99% xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Mexico một thị trường khá lớn nhưng hiện nay DN Việt Nam chưa khai thác, cũng xóa bỏ có lộ trình, nhưng thời gian kéo dài hơn vì Mexico rất e ngại dệt may Việt Nam.
Về giày dép: Canada đồng ý 67% xóa bỏ ngay, 12% xóa bỏ trong năm thứ 7, còn lại cắt giảm vào năm thứ 12. Nhật Bản gần 80% xóa bỏ vào năm thứ 10. Mexico xóa theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 13…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, việc Canada giảm thuế mạnh cũng sẽ tạo động lực cho ngành da giày, vì thông qua Canada các DN có thể đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, khi hiệp định có hiệu lực cũng là thời điểm thu hút thêm được các nhà đầu tư nước ngoài vào mảng nguyên phụ liệu, vì hiện ngành da giày vẫn phải nhập khẩu đến khoảng 70% da từ nước ngoài.
Bên cạnh tác động từ CPTPP, nhiều ngành hàng như dệt may, gỗ cũng đang chờ đón sự dịch chuyển đơn hàng tích cực hơn từ Trung Quốc qua Việt Nam do chiến tranh thương mại. Theo ông Phạm Xuân Hồng, khi đơn hàng dịch chuyển qua nhiều, cái lợi đầu tiên chính là các DN Việt Nam có quyền lựa chọn đơn hàng.
Lâu nay khách hàng thường có xu hướng ép giá, trong khi DN chịu nhiều chi phí đầu vào gia tăng. Nhưng từ năm tới khi đơn hàng dồi dào, cái nào có giá tốt hơn, các điều kiện thuận lợi hơn DN chọn. Tất nhiên, để đón đầu những cơ hội này các DN trong nước cũng đang từng bước cải tiến công nghệ, đầu tư những công nghệ mới hơn.
Trong năm 2019 ngành gỗ được dự báo sẽ dồi dào hơn khi dịch chuyển từ Trung Quốc qua. Ngoài đơn hàng từ Hoa Kỳ dự báo tăng, ngành gỗ cũng kỳ vọng vào thị trường châu Âu sẽ có mức tăng trưởng tốt trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Lý do Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết, giúp sản phẩm gỗ Việt trực tiếp vào 28 quốc gia châu Âu mà không cần qua nước trung gian.

Thận trọng trước thách thức

Kỳ vọng như vậy, song cơ hội luôn song hành với thách thức nếu không chủ động đối phó. Đơn cử như vấn đề của ngành gỗ, dẫu biết cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể giúp đơn hàng chuyển qua Việt Nam nhiều hơn, nhưng liệu các DN Trung Quốc có ngồi im để mất đơn hàng hay không vẫn còn là câu hỏi chưa dễ trả lời.
Cái mà các DN cũng như Hiệp hội Gỗ Việt Nam lo ngại chính là hiện tượng sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu. Điều này sẽ gây ra 2 tác động, thứ nhất hàng Việt thực tế sẽ không tăng trưởng được bao nhiêu (do hàng Trung Quốc tràn qua), thứ hai nếu Hoa Kỳ phát hiện có hiện tượng này sẽ đánh thuế lên hàng hóa Việt Nam. Và ngành thép đã từng bị Hoa Kỳ đánh thuế cao do nghi ngờ thép Trung Quốc chuyển qua Việt Nam để trốn thuế.
Thách thức từ chính các hiệp định thương mại tự do như CPTPP lên các nhóm ngành như dệt may, da giày là rất lớn. Bởi muốn được hưởng thuế suất ưu đãi phải đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và cả sự minh bạch trong sổ sách, giấy tờ. Chỉ nói riêng về xuất xứ hàng hóa cả dệt may, da giày đều đang gặp nhiều khó khăn do lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu vẫn rất lớn. Ngành may lại phải chịu quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Và để giải bài toán nguyên phụ liệu này nhất thiết phải có sự chung tay hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Theo saigondautu.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm