Thủ tướng: "EVFTA không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo"
Thực phẩm, đồ uống và sản xuất dệt may hưởng lợi từ EVFTA / Hà Tĩnh: Nuôi giun quế thoát nghèo
Mở đầu Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh những điều khoản của EVFTA sẽ chuyển mình mạnh mẽ, bước vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp, của người dân Việt Nam cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng cho rằng điều này có ý nghĩa to lớn khi cả hai bên đang gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế - xã hội do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)"
EVFTA là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định sẽ góp phần giúp GDP tăng thêm bình quân lên đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, lên đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% trong 5 năm sau đó.
Theo một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới, nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và CPTPP thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định và tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh EVFTA không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo
Cơ hội là rất lớn song Thủ tướng nhấn mạnh EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.
"EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Mới chỉ là bước đầu
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định chúng ta vui mừng về EVFTA đi vào hiệu lực nhưng đó mới chỉ là bước đầu.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối diện trong bối cảnh hiện nay. Theo Thủ tướng, hiện nay tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang phải chịu những cơn gió ngược dữ dội của đại dịch COVID-19, khiến cho đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối bị gián đoạn. Các nền kinh tế lớn, đối tác hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản đều chịu mức suy giảm kỷ lục về tăng trưởng kinh tế, ngay cả EU cũng bị suy giảm GDP 2020.
"Trong hội nghị hôm nay, chúng ta vui mừng về Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực với những ước tính lạc quan về tăng trưởng, xuất khẩu, nhưng tình hình kinh tế thế giới, cả EU và cả Việt Nam đang gặp khó khăn.
Do vậy, ngay lúc này, câu hỏi lớn hơn, quan trọng hơn là chúng ta phải làm gì, làm như thế nào, nỗ lực ra sao để đạt được ước tính, những kết quả tốt đẹp đó, nhất là để nâng mình lên trong hợp tác của các đối tác EU, khối kinh tế phát triển hùng mạnh hàng đầu của thế giới?".
Thủ tướng nhấn mạnh còn rất nhiều việc phải làm sau khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực
Thủ tướng cho rằng, những vấn đề ban đầu gây khó khăn trong quá trình thực thi EVFTA là sự thiếu sót trong nhận thức về hiệp định, vướng mắc về pháp lý và hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, quy mô sản xuất...
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, trước hết nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về EVFTA và các FTA khác để doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước hiểu cặn kẽ, có định hướng tận dụng tốt hơn.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các vấn đề về phát triển nguồn nhân lực và kết cầu hạ tầng được Thủ tướng đánh giá là những yếu tố sống còn trong kinh doanh.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh về sự phát triển bền vừng. Theo người đứng đầu Chính phủ, trong EVFTA có tiêu chuẩn cao, không chỉ về nâng cao hiệu quả kinh tế, mà đi đôi với các yêu cầu khắt khe về làm tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội, lao động, việc làm và bảo vệ môi trường.
“Không thể bán hải sản tươi ngon, giá rẻ tại thị trường EU nếu là hải sản đánh bắt trái phép. Chúng ta phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp trong và cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU, , không thể đóng cửa, dựng nên hàng rào bảo hộ, mà chúng ta phải thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh