Thừa Thiên Huế: Cần có cơ chế để thúc đẩy mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch nông nghiệp: “Lối nhỏ” chưa thành “đường” / Để du lịch nông nghiệp trở thành lợi thế
14 doanh nghiệp hoạt động trang trại
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh làm trưởng đoàn, vừa có buổi làm việc và khảo sát thực trạng phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 245 trang trại nông nghiệp thuộc hộ gia đình, trong đó có 95 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020 của Bộ NN&PTNT. Trong đó, có 13 trang trại trồng trọt, chiếm 5,33%; 89 trang trại chăn nuôi chiếm 36,3%; 9 trang trại lâm nghiệp chiếm 3,67%, 16 trang trại nuôi trồng thủy sản chiếm 6,5%; 118 trang trại tổng hợp chiếm 48,16%.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 14 doanh nghiệp hoạt động trang trại với tổng cộng 20 trang trại, tập trung ở 4 huyện: Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền, loại hình chủ yếu là chăn nuôi.
Triển vọng từ loại hình du lịch nông nghiệp
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, công tác phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Qua đó việc kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ngày càng chặt chẽ, bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của Huế, từ đó tạo đà cho du lịch Thừa Thiên Huế từng bước phát triển, ngày càng thu hút du khách thập phương đến tham gia dã ngoại.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số tour, tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, như: Trải nghiệm vườn Thanh trà Thủy Biều (TP. Huế); Mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới nhà kính hay các vườn hoa hướng dương trong lòng thành phố hoặc ở vùng Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); vườn rau sạch A Lưới cũng thu hút đông đảo du khách.
Trung bình hàng năm, Thừa Thiên Huế đón khoảng 300.000 lượt khách đến với loại hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông nghiệp nông thôn ước đạt 50 tỷ đồng/năm.
Loại hình du lịch này cũng thu hút được nhiều lao động vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; nâng cao bước đầu nhận thức về du lịch cộng đồng và phát triển du lịch bến vững cho người lao động trong vùng có phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, Farmstay, Homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng là các loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới xuất hiện trên địa bàn từ năm 2017. Các mô hình này là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của khách du lịch về vùng đất nông nghiệp, nông thôn hoang sơ cũng như các loại hình văn hóa cộng đồng, ẩm thực của các vùng khác nhau và của người dân bản địa.
Các loại hình du lịch này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ cộng đồng trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch và thị trường.
Cần sớm có cơ chế quản lý mô hình du lịch nông nghiệp
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, loại hình Farmstay, Homestay, du lịch trang trại, du lịch cộng đồng đang là mô hình phát triển du lịch khá bền vững với phương châm bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cư dân bản địa, phát huy giá trị cảnh quan tự nhiên, sinh thái, giá trị nông, lâm nghiệp sẵn có trên địa bàn kết hợp phát triển sản xuất và phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống đường xá, cầu gỗ tạm bợ.
Cạnh đó, mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ, lao động hoạt động theo thời vụ nên công tác quản lý mô hình vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mô hình trang trại chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa thực sự được đầu tư bài bản.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm, khám phá văn hoá bản địa khi tham gia du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
“Để hoạt động của loại hình này được phát triển, Bộ NN&PTNT, Bộ VH-TT&DL và các ngành liên quan, cần sớm xem xét hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch”, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh đánh giá cao hoạt động của các loại hình du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.
Ông Thịnh khẳng định, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, để mô hình này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt Nghị định số 52/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
“Thừa Thiên Huế cũng cần củng cố, xây dựng một số mô hình điểm nhấn về du lịch nông nghiệp, nông thôn; rà soát lại các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm đảm bảo việc quản lý đất đai, đào tạo nguồn lao động nông thôn”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh đề nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo