Thị trường

Thừa Thiên Huế: Tập trung sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế

DNVN – Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, hậu Covid-19, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, cần chuyển hóa cơ hội và thách thức thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.

Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh hậu Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Sản xuất kinh doanh phục hồi sau đại dịch Covid-19

Thực hiện tốt nhiệm vụ kép
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cuộc họp thường kỳ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, chủ trì cuộc họp.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động trực tiếp đến du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu,… Nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, tỉnh vừa tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 vừa tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.512 tỷ đồng, bằng 46% dự toán và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; chi 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.847,3 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, trong đó chi đầu tư 952,6 tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán, chi thường xuyên 2.668,2 tỷ đồng, đạt 39,5% dự toán.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động du lịch trên địa bàn đều bị ngừng, đóng cửa các điểm tham quan di tích (từ tháng 2-4/2020). Lượng khách 6 tháng ước đạt khoảng 1.136,6 nghìn lượt, giảm 45,4% so với cùng kỳ . Khách lưu trú ước đạt 554,7 lượt, giảm 48,1%; trong đó, khách quốc tế 240,2 lượt; giảm 43,81%. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.478,9 tỷ đồng, giảm 41,2%; trong đó doanh thu doanh nghiệp du lịch 1.120 tỷ đồng, giảm 47%.
Hậu Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần ổn định trở lại.

Hậu Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã dần ổn định trở lại.

Trước tình hình đó, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch (giai đoạn 2020-2021) và ban hành Kế hoạch Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2020...
6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ước tăng 3,05% so với cùng kỳ (thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 9,74%, kế hoạch cả năm là 10%), trong đó công nghiệp khai khoáng ước tăng 8,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 4,45%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 15%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,98%.
Tình hình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 270 tỷ đồng (11,41 triệu USD). Điều chỉnh 16 dự án, trong đó 07 dự án giãn tiến độ, 03 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 184 tỷ đồng. Thu hồi 01 dự án đầu tư xây dưng Chợ đầu mối Phú Hậu.
Đặc biệt có 02 dự án lớn: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) vốn đầu tư 700 tỷ đồng dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa máy bay vào cất cánh thương mại.
Chuyển hóa cơ hội và thách thức thành động lực
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra các mặt còn hạn chế cần sớm khắc phục để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các ý kiến cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng Covid-19 tác động đến việc phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh thì vẫn còn một số tồn tại, như: Chất lượng tham mưu trong công tác xúc tiến đầu tư, quản lý giám sát trong xây dựng, đất đai, đầu tư chưa cao đã làm ảnh đến hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chậm triển khai các các quy hoạch phân khu... Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã chưa đạt hiệu quả, đặc biệt hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu kết luận cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu kết luận cuộc họp.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, tỉnh đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các giải pháp hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ người dân,…
Nhờ đó, có tác động tích cực đến với doanh nghiệp, người dân trong nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội phòng chống Covid-19, đặc biệt nổi bật trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thông tin số trong lĩnh vực giáo dục (học online); y tế (toàn dân tuân thủ khai báo sức khỏe online); phương pháp làm việc (họp online); các dịch vụ kinh doanh online,…
“Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, đề nghị các cấp, các ngành cộng đồng trách nhiệm, tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra. Cần chuyển hóa cơ hội và thách thức thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Đồng thời yêu cầu, cần tập trung kích cầu thu hút khách du lịch, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Festival Huế 2020; ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh; rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp; tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án…
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm