Thị trường

Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh hậu Covid-19

DNVN – Theo Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, trong bối cảnh khó khăn chung do Covid-19, tỉnh luôn sát cánh, sẻ chia cùng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế tỉnh nhà.

Thừa Thiên Huế: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh / Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp phục hồi, kích cầu du lịch hậu Covid-19

Ngày 30/5, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức Hội thảo "Các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp và Quản trị dòng tiền hiệu quả", nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hậu dịch bệnh Covid-19.
Đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia hội thảo.

Đông đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp; đại diện các sở, ngành liên quan và hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới về những chính sách hỗ trợ và ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid -19; đồng thời chia sẻ của các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tài chính – quản trị nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các dòng vốn lẻ và kỹ năng quản trị tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch Covid-19 đã tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, xây dựng, doanh nghiệp FDI… Ước tính thiệt hại đến nay lên đến 6.500 tỷ đồng.
Trước khó khăn đó, ngoài các chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương. Trong đó, có chính sách kích cầu du lịch nhằm phục hồi và phát triển du lịch bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được tỉnh triển khai.
Đáng chú ý, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-l9.
Bên cạnh đó còn tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tình hình thiệt hại do dịch để chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Ngoài chính sách hỗ trợ do dịch Covid-l9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh thông tin đến doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ đang được áp dụng trên địa bàn.
Về lĩnh vực tín dụng ngân hàng, ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đến ngày 22/5/2020, toàn tỉnh có 682 doanh nghiệp được các ngân hàng tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ được cơ cấu 821 tỷ đồng; 2.118 khách hàng được miễn, giảm lãi; 1.212 khách hàng được vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay khi công bố dịch đến 22/5 là 3.739 tỷ đồng. Ngoài ra, 149 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được giãn nợ với dư nợ 2,6 tỷ đồng.
Hội thảo cũng được nghe đại diện Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông tin về các dòng vốn có lãi xuất ưu đãi của các ngân hàng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng và những thủ tục cần thiết để tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, các đại biểu và các doanh nghiệp đã nghe TS. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp trình bày tham luận, chia sẻ kinh nghiệm Quản trị doanh nghiệp - Quản trị dòng tiền: Vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Đồng thời, các đại biểu, doanh nghiệp thảo luận về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hậu dịch bệnh Covid-19 và trao đổi về các về các dòng vốn có lãi xuất ưu đãi của các ngân hàng, những thủ tục cần thiết để tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.
Theo các đại biểu, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay, thì thời gian tới, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, khả năng trả nợ, xây dựng phương án, dự án sử dụng vốn vay hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cũng như tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cần liên hệ với Ngân hàng Nhà nước hoặc đường dây nóng của Chi nhánh tỉnh để được hỗ trợ.
Với những trường hợp doanh nghiệp trong tỉnh nhưng vay vốn ngân hàng ngoại tỉnh, Ngần hành Nhà nước chi nhánh tỉnh có thể hỗ trợ thông qua các mối quan hệ với chi nhánh ở tỉnh đó để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp địa phương tháo gỡ khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội thảo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19, tỉnh sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và luôn coi sự thành công của doanh nghiệp, doanh nhân chính là thành công của tỉnh.
“Trên cơ sở đó, mong muốn trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt là quyết tâm cao để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “Chống trì trệ như chống dịch”, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là “vừa chống dịch và đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế” của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm