Thừa Thiên - Huế: Thuần hóa dúi rừng thành dúi nhà, nuôi không kịp để bán
Sơn La: Nuôi loài gà chỉ sợ kêu điếc tai chứ đầu ra không phải "đau đầu" / Bà Rịa - Vũng Tàu: Tỷ phú đất Tóc Tiên, 80 tuổi vẫn nuôi 400 tấn cá bằng....mỳ tôm vụn
Duyên đến với con dúi của chị Nam rất bất ngờ. Là đặc sản tại miền rừng núi Nam Đông, vì thế, chẳng ai nghĩ đến việc thuần dưỡng, nuôi nhốt dúi rừng.
Thế mà cặp dúi rừng qua tay chị Namlại lớn lên trông thấy. Nhận thấy việc nuôi dúi rừng có thể mở ra cách làm kinh tế mới, hiệu quả, chị Nam mua thêm 2 cặp dúi. Đến nay, từ lứa dúi bố mẹ, chị đã nhân đàn lên gấp 10 lần, đó là chưa kể dúi thịt, dúi giống.
Theo chị Nguyễn Thị Nam, sau 3 tháng nuôi, dúi đạt trọng lượng khoảng 1,3 kg, bán với giá 400-600.000 đồng/kg.
Dúi là động vật gặm nhấm, khá hung dữ. Vì thế, chị linh động xây chuồng riêng cho mỗi con. Chị Nam cho biết: “Xây chuồng cho dúi rất dễ. Gạch men 50x50cm ốp xung quanh. Nền đổ xi măng cao 5cm. Bên trên chỉ cần đậy bằng ván gỗ”.
Dúi có khả năng đào bới tốt, vì thế nền cần được thi công đảm bảo. Riêng với vách chuồng, nếu không ốp được gạch (phía bóng hướng vào trong), có thể tráng xi măng thật láng.
Dù không phải là động vật kén ăn, nhưngthức ăn của dúi như tre, mía, cây lau sậy, bắp, sắn… phải đảm bảo chất lượng. Điều lưu ý là các thức ăn phải khô ráo, sạch sẽ. Với thổ nhưỡng phong phú, mía, tre, sắn có sẵn, hàng tháng chị Nam chỉ mất 20 nghìn đồng tiền mua thêm bắp cho đàn dúi ăn.
Thận trọng nhất là lúc chị Nguyễn Thị Nam cho thức ăn vào chuồng dúi. Nhẹ nhàng cho dúi quen với sự hiện diện của mình, lùi vào góc trái, chị Nam đẩy khúc mía vào góc phải.
Chị Nam phân trần: “Dúi ăn dễ, phân dúi cũng không hôi. Vì thế việc cho ăn và vệ sinh chuồng trại rất dễ dàng. Nếu bận rộn, có thể 2 ngày cho dúi ăn một bữa, mỗi tuần vệ sinh chuồng một lần; phải đảm bảo dúi ăn hết thức ăn, tránh dư thừa gây nấm mốc, mầm bệnh cho dúi”.
Mỗi năm một đôi dúi có thể sinh 4 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con. Dúi mẹ chăm con rất giỏi, vì thế việc chăm sóc rất dễ. Sau hơn 1 tháng, dúi con được tách mẹ, nuôi riêng từng chuồng.
Việc phối giống cho dúi đòi hỏi phải có sự quan sát. Chị Nam chia sẻ kinh nghiệm cho dúi phối giống: “Ghép đôi cho dúi không quá khó. Chọn con đực thả vào chuồng dúi cái (hoặc ngược lại). Nếu đôi dúi quấn quýt nhau thì giữ nguyên. Ngược lại, nếu chúng gằm ghè nhau thì phải tách ra, thay thế bằng con khác. Để đôi dúi ở với nhau trong vòng một tuần thì có thể tách ra, dúi cái mang thai thì ngực sẽ căng, điều này rất dễ phân biệt…”
Hiện nay, vừa bán dúi thịt, chị Nam vừa tăng đàn và bán cả dúi giống. Thịt dúi thơm ngon, giá dao động từ 400 - 600 nghìn đồng/kg. Sau 3 tháng nuôi là dúi có thể cho xuất chuồng, mỗi con đạt 1,3 kg.
Dúi giống đắt hàng, trung bình mỗi con chị Nam thu về 400 nghìn đồng (trọng lượng khoảng 400 gam). Với mức giá hiện tại, một đôi dúi bố mẹ được chăm sóc tốt mỗi năm có thể mang về hơn chục triệu đồng (gồm dúi giống và dúi thịt). Nhu cầu dúi thịt tại Nam Đông rất cao, cung không đủ cầu, vì thế thịt dúi được các nhà hàng đặc biệt săn đón.
Một lưu ý đặc biệt về nơi ở của dúi, đó là đảm bảo độ tối, và tránh ẩm thấp. Dúi chịu lạnh giỏi, nhưngrất kỵ nước mưa. Vì thế chuồng nuôi phải vừa mát, vừa tránh dột. Nắm vững tập tính loài, và nhận thấy tiềm năng từ con dúi, chị Nguyễn Thị Nam đang tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng diện tích chăn nuôi.
“Mình muốn xây dựng trang trại đúng chuẩn chứ không manh mún, nhỏ giọt như hiện nay. Đây là dự định khó khăn vì nguồn vốn đầu tư khá lớn”, chị Nam bày tỏ.
Nuôi dúi không phải là mô hình mới lạ tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ cần nắm vững đặc điểm sinh trưởng, thu nhập từ loài gặm nhấm này rất đáng mơ ước.
Bà Hoàng Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Nam Đông cho biết: “Chị Nguyễn Thị Nam là hội viên rất tích cực, năng động. Mô hình nuôi con dúi của chị Nam vừa lọt top 10, vượt qua vòng chung khảo Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" lần thứ nhất năm 2019 được Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức”.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo