Thực hư những thương vụ lan tiền tỉ
Thương vụ chuyển nhượng gốc lan lên đến 6,8 tỉ đồng vừa hoàn tất tại Đà Nẵng đã hé lộ cuộc chơi bạc tỉ của những người mê lan và cả những đồn đoán xung quanh giá trị thật của sản phẩm.
Giá vàng hôm nay (30/9): Sau cú sốc, mua bán ngưng trệ / Dân vùng lũ cải thiện cuộc sống nhờ đánh bắt 'lộc trời cho'
Trong thương vụ nói trên, bảy mầm lan Giã Hạc (còn gọi là Phi Điệp, tên khoa học Dendrobium anosmum) 5 cánh trắng có tên Tuyên Võ được ông Võ Thành Tuyên (trú TX.La Gi, Bình Thuận) chuyển nhượng hôm 25.9 cho CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn (Đà Nẵng) chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, nhưng giá trị chuyển nhượng lên tới 6,8 tỉ đồng đã khiến dư luận bất ngờ và bàn tán không dứt.
Nhóm thực hiện thương vụ gốc lan Giã Hạc 6,8 tỉ đồng.
“Độc đáo nhất VN”
Ông Võ Anh Truyền, Chủ nhiệm CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn, không tiếc lời khen ngợi những mầm lan Giã Hạc này vì cho rằng chúng “độc đáo nhất VN” và được giới sưu tầm lan trong nước đánh giá rất cao.
Thành viên CLB, ông Nguyễn Phi Hùng, cho biết người chơi lan trên cả nước đều biết đến cây Giã Hạc Tuyên Võ từ cách đây 2 năm. Cây lan này được ông Võ Thành Tuyên mua ở một nhà vườn tại Bình Phước. Thoạt tiên, giá trị của cây chưa cao, nhưng theo thời gian, giới chơi lan đi sâu tìm hiểu thì nhận ra sự quý hiếm của nó. “Chúng tôi đã “theo” gốc lan này cả 1 năm và mất khoảng 1 tháng để thương lượng, làm việc. Anh Tuyên chơi với CLB khá lâu nên cũng có nhiều tình cảm. Từ đó mới quyết định chuyển nhượng”, ông Hùng nói và hồ hởi: “Với lan đột biến, có tiền chưa chắc đã mua được mà “duyên cây” phải đến với mình”.
Theo ông Hùng, công nghệ cấy mô lan đột biến đã phát triển ở Thái Lan, Đài Loan... Tuy nhiên, công nghệ này không thể cho ra bông hoa độc đáo mà CLB vừa chi tiền tỉ sở hữu. “Trong nhiều bông lan Giã Hạc đột biến ở VN, mỗi bông có một vẻ đẹp riêng. Nhưng Giã Hạc Tuyên Võ là hết sức đặc biệt, năm đầu tiên hoa cho “mắt” xước, gọn và đẹp, khuôn cân đối, nhưng năm nay bông nở lại có “mắt” rồng. Bông hoa này chỉ có một, và khi đưa hình ảnh lên mạng đã tạo thành “sóng ngầm”, ai cũng muốn được sở hữu dù chỉ một mầm nhỏ”, ông Hùng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Thành Tuyên (chủ nhân trước của cây lan) cũng khẳng định khi nhìn cây lan này, người am hiểu ai cũng biết giá trị của nó. Ông tiết lộ đã có người trả mức giá hơn 7 tỉ đồng. “Tuy nhiên, người mua mà có cảm giác không thích thì tôi không bán. Nhưng với anh em nghĩa tình, tôi sẵn sàng để với giá hữu nghị”, ông Tuyên nói.
Gốc lan Giã Hạc được chiết thành 7 gốc với trị giá tương đương 1 tỉ đồng/gốc |
Đổ tiền theo đam mê
CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn vừa thành lập hôm 26.5, hiện có 6 thành viên, hết 5 người kinh doanh với điều kiện kinh tế tốt. “Chúng tôi gắn kết với nhau để chia sẻ thú chơi lan đột biến đẹp và độc. Khi săn tìm được mặt hoa đẹp, CLB sẽ đưa ra bàn luận, phân tích, đánh giá... có xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra hay không. Khi đã xứng đáng thì tất cả anh em sẽ góp “cổ phần” để mua về chăm, nuôi dưỡng và cùng nhau chơi”, ông Hùng nói.
Trước nghi vấn thương vụ Giã Hạc Tuyên Võ có giá “khủng” 6,8 tỉ đồng chỉ là một vụ chuyển nhượng “ảo” nhằm tạo cơn sốt, ông Hùng khẳng định các thành viên CLB không bất ngờ. “Những người không chơi, không am hiểu lan thì dù cây này bán với giá 100.000 đồng họ cũng không mua. Ý kiến trái chiều xuất phát từ những thành phần này. Chúng tôi chơi vì đam mê chứ không vì dư luận”, ông Hùng nói.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), chủ trang trại lan YSA Orchid (TP.Đà Lạt), nhìn nhận thú chơi lan rừng ở VN phát triển rất mạnh thời gian gần đây do có nguồn gien lan rừng đa dạng và đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng cao. Từ đó, thú sưu tầm những loại lan quý hiếm ngày càng phát triển mạnh. Lan rừng quý giá được nhiều người ưa thích nhất hiện nay là Giã Hạc, đặc biệt là Giã Hạc từ các vùng của đất nước có màu sắc đẹp như Giã Hạc Xuân Di Linh, Giã Hạc Ta Li... Hiện Giã Hạc đột biến gien là có giá cao nhất, do nhu cầu sưu tầm chơi giống lan này phát triển mạnh trên cả nước. Ông Sang cho rằng cây lan rừng Giã Hạc 5 cánh trắng được giao dịch với giá 6,8 tỉ là thương vụ thật. Đã có những cây Giã Hạc 5 cánh trắng khác được người sưu tầm lan mua với giá rất cao, có thể là giá trị giao dịch cao nhất trên thế giới từ trước đến nay.
Trong khi đó, theo anh Vũ Huy Hoàng, chủ vườn lan Hương Rừng (TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, Lâm Đồng), thị trường hiện có tới hơn 200 loại Giã Hạc đột biến, bên cạnh đó còn có rất nhiều cây đột biến chưa được đặt tên. Lan đột biến là cây bình thường nhưng đột biến gien nên biến đổi về màu sắc của bông hoa. “Quan trọng nhất ở kết cấu bông (cánh, lưỡi), màu sắc bông, mắt bông và thùy bông, từ đó được giới chơi phân tích, định hình một giá trị nhất định. Với lan rừng, đặc biệt là lan đột biến thì không thể nói trước được giá cả, mà theo thị hiếu của thị trường và độ quý hiếm của cây, cây độc quyền và bán bản quyền (bán đứt cả cây) thì giá sẽ rất cao. Với các dòng đột biến, giá giao dịch bình thường từ vài triệu đến vài chục triệu cho 1 cm thân, một mầm nhỏ đã vài chục triệu đồng và một giao dịch vài trăm triệu là bình thường xảy ra hằng ngày, rồi tiền tỉ cũng không còn hiếm nữa”, anh Hoàng phân tích.
Về thông tin cây lan 6,8 tỉ đồng, anh Hoàng cũng cho rằng “đó là giao dịch thật và giá như vậy anh không bất ngờ”. “Theo tôi, để đáp ứng thú chơi và người chơi đã chơi mà gặp loại “độc - đẹp” thì giá cả không phải là chuyện lớn, miễn thấy vừa túi tiền là mua. Hiện nay nhiều người có trong tay trăm tỉ, ngàn tỉ thì họ bỏ ra 5 - 7 tỉ mua một cây lan yêu thích là chuyện bình thường. Tại thời điểm này cây đang dẫn đầu về giá, nhưng trên thị trường, trong thời gian tới nhất định sẽ có những chậu lan giá cao hơn”, anh Hoàng nói.
Nhân giống hoa quý
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại Đài Loan và Thái Lan từng mua giống cây phong lan đột biến của VN về cấy mô với hy vọng được mặt hoa của “cây mẹ”. Cách đây vài năm, khi công nghệ cấy mô tràn lan, giá trị cây lan đột biến cũng bị ảnh hưởng và xuống thấp. Theo giới chơi lan, hoa lan có 2 loại: đột biến toàn phần (Var-albar, một bông trắng tinh) và bông đột biến một phần (Var Sermi-albar, cho hoa có “mắt” với màu sắc). Một bông lan đột biến đẹp cần đạt các yếu tố: khuôn hoa phải cân đối, cánh bầu, cánh sáp, vai ngang, “họng” sạch, “thùy” sạch, “mắt” xước và không lem, “mũi” trắng... Tất cả yếu tố như vậy có trong một bông hoa sẽ được đánh giá rất cao. “Trong giới chơi lan bây giờ, cái người ta săn tìm là bông đột biến bán phần, giá trị của nó rất lớn. Nó có rất nhiều mặt bông khác nhau, nhưng tiêu chí để lựa ra một bông đẹp là nhìn vào bông hoa thấy khuôn hoa cân đối, vai ngang, cánh bầu...”, ông Nguyễn Phi Hùng phân tích thêm.
Ông Phan Thanh Sang cũng cho rằng trên thế giới có nhiều trường hợp mua một cây quý hiếm nguồn gien quý để lai tạo, hoặc nhân giống độc quyền hàng loạt bán ra thị trường số lượng lớn để thu lợi nhuận. “Tôi nghĩ đó là quy luật cung cầu và thị hiếu của người sưu tầm đang lên rất cao. Trong tương lai, khi bằng cách nhân kei (mầm cây) nhanh như hiện nay cùng công nghệ nuôi cấy mô phát triển, các cây lan quý sẽ được một số nhà sưu tầm nhân ra hàng loạt, cùng các dòng lai đẹp được nhập khẩu, cũng như thị hiếu thay đổi sẽ đưa giá về thấp hơn”, ông Sang nói.
Thêm giao dịch tiền tỉ Hôm 28/9, CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn tổ chức gặp mặt các hội, CLB yêu lan trên cả nước và quyết định đổi tên lan Giã Hạc 5 cánh trắng “Tuyên Võ” sang tên mới “Tiên Sa”. Trước đó, tối 27/9, CLB Hoa lan đột biến Sông Hàn tiếp tục giao dịch thành công một gốc lan Giã Hạc 5 cánh trắng Nữ Hoàng với trị giá lên đến 1,5 tỉ đồng. Gốc lan này xuất xứ tại nhà của một người dân thuộc khu vực Pakse (Lào). Khi bông nở, anh Phạm Văn Phong (sinh sống tại Lào) đã mua về chăm sóc. Qua trao đổi với CLB, anh Phong đã lái xe từ Lào về VN để nhượng giống cây quý này. Ngày 18/8, một “đại gia” ở Hòa Bình mua cây lan Giã Hạc có tên Bảo Duy với giá 2,7 tỉ đồng. Vào tháng 7 vừa qua, ông H.V.L (trú Thừa Thiên-Huế) thực hiện thương vụ 5 cánh trắng Giã Hạc với giá 700 triệu đồng cho một người chơi lan ở Hải Phòng; sau đó, người này chuyển nhượng cho một khách hàng khác với giá 1,1 tỉ đồng. Trong khi đó, tại Nghệ An, một người dân ở khối 8, TT.Kim Sơn (H.Quế Phong) bán một giò phong lan cho người chơi lan ở tỉnh Hải Dương với giá 600 triệu đồng.
|
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Cột tin quảng cáo