Tiền Giang: Người phụ nữ 5x làm giàu nhờ nuôi bọ cạp
Vietnam Airlines hỗ trợ hành khách khi ngưng phát thanh tại nhà ga quốc nội sân bay Cam Ranh / Báo chí quốc tế nhận định tích cực về Hiệp định RCEP
Bà là Mai Thị Kim Giàu, chủ trại dế và bò cạp Kim Giàu, ở ấp Mỹ Phúc, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Công việc nuôi bò cạp được bà Giàu cùng con trai là anh Nguyễn Hoàng Phúc, thực hiện từ gần 3 năm qua và cho hiệu quả tốt.
Bà Giàu vốn là chủ đại lý thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản ở Cái Bè. Nhưng rồi căn bệnh thoái hóa đốt sống khiến bà đau nhức triền miên, không thể làm nặng, ngồi lâu, nên chuyện buôn bán bị ảnh hưởng nhiều. Được giới thiệu rượu thuốc ngâm bò cạp uống trị bệnh, bà Giàu thử với tâm lý “phước chủ may thầy”, ai ngờ bệnh tình ngày một thuyên giảm. Sau thời gian uống rượu thuốc ngâm bò cạp thì những cơn đau nhức do thoái hóa đốt sống giảm dần, bà Giàu có thể sinh hoạt trở lại bình thường. Thấy được công dụng của bò cạp, bà Giàu quyết định nuôi, vừa để làm kinh tế, vừa tạo phương thuốc giúp người.
Bà Kim Giàu với con bò cạp còn sống.
Con giống bò cạp được bà Giàu mua từ Campuchia, với giá khoảng 10.000 đồng mỗi con. Theo bà Giàu, bò cạp rất dễ nuôi, không tốn công chăm sóc và tỷ lệ hao hụt rất ít. “Bò cạp chết nhiều là khi vận chuyển từ Campuchia về. Khi bò cạp đã vào chuồng thì tỷ lệ sống gần như tuyệt đối, đến khi xuất bán thì chỉ hao hụt vài ba con, không đáng kể”, bà Giàu cho biết thêm.
Việc làm chuồng trại cũng khá đơn giản, chỉ cần rào kín sao cho bò cạp không thể bò ra ngoài. Chuồng được làm theo kiểu “bán thiên nhiên”, nghĩa là một nửa có mái che, một nửa lấy ánh sáng trực tiếp. Nơi làm chuồng cần đảm bảo cao ráo, thông thoáng, tránh ẩm ướt và sắp đặt một số vỏ dừa khô để làm nơi trú ẩn cho bò cạp.
Thức ăn cho bò cạp là dế. Vì vậy, bên cạnh chuồng nuôi bò cạp, bà Giàu còn có chuồng nuôi dế vừa để bán dế thịt, vừa để làm mồi cho bò cạp. Quy trình khép kín này giúp trại nuôi của bà Giàu đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên, giảm chi phí.
Bà Giàu lưu ý thêm: “Chuồng nuôi bò cạp không cần quá rộng, chỉ khoảng 10m2 cho 1.000 con bò cạp và chiều cao vách chuồng khoảng 60cm. Điều này nhằm giúp bò cạp dễ săn mồi dế hơn”. Bò cạp là loài sinh sản tự nhiên, mỗi năm đẻ 2 lần, vào tháng 3 và tháng 10 âm lịch. Đây là nguồn con giống chất lượng, dễ nuôi và mau lớn do phù hợp với môi trường bản địa. Hiện nay, bà Giàu chỉ bán số lượng ít bò cạp thương phẩm, còn lại cho sinh sản để tạo nguồn con giống.
Đầu ra cho bò cạp thương phẩm tại trại nuôi Kim Giàu rất ổn định, đa phần bán cho thương lái quen ở các tỉnh phía Bắc, với giá bán từ 20.000 đồng mỗi con trở lên. Mỗi năm, bà Giàu có thể thu trăm triệu đồng từ nghề nuôi dế và nuôi bò cạp. Bò cạp giờ là món ăn khoái khẩu của nhiều người khi chiên giòn, nướng hoặc lăn bột chiên... trở thành “món ngon vị thuốc”. Ngoài ra, bà Giàu còn ngâm rượu bò cạp để bán cho khách hàng dùng để uống và xoa bóp trị liệu.
Bà Giàu cùng với con trai là anh Phúc rất chịu khó trong học hỏi kinh nghiệm nuôi cũng như quảng bá sản phẩm. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh trại dế, bò cạp Kim Giàu trên Facebook, YouTube, Zalo... Mới đây, bà Giàu còn mang bò cạp sống và các món ngon từ bò cạp sang trình diễn tại Ngày hội các món ngon - độc - lạ được tổ chức tại Làng Du lịch sinh thái Ông Đề (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), thu hút rất nhiều khách tham quan, trải nghiệm. Bà Giàu cho biết, gia đình sẽ mở rộng quy mô chuồng trại và đa dạng các sản phẩm từ bò cạp để gia tăng hiệu quả kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo