Tiêu dùng trong tuần (từ 28/11-4/12/2022): Giá nhiều mặt hàng tăng mạnh
Vì sao nông sản Việt khó thâm nhập siêu thị Đông Âu? / Giá heo hơi ngày 3/12/2022: Gần Tết, giá heo vẫn giảm?
Giá vàng, gas, rau xanh, hải sản, bia... đồng loạt tăng mạnh; trong khi giá xăng dầu hạ nhiệt. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.797 USD/ounce, giảm hơn 1 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh theo chiều hướng đi lên. Nguyên nhân chính là do Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có bài phát biểu vào ngày 30/11. Ông Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất cơ bản đồng USD, do lạm phát đã cơ bản đạt được mục tiêu cần thiết. Việc hạn chế tăng lãi suất sẽ bắt đầu ngay trong kỳ họp tháng 12.
Bài phát biểu của Chủ tịch Fed đã khiến đồng USD lao dốc, bất chấp 2 báo cáo là tăng trưởng GDP và việc làm của Mỹ tích cực. Thị trường tài chính đón nhận thông tin báo cáo việc làm tại Mỹ tháng 11 tích cực hơn dự báo.
Cụ thể, Bộ Lao động cho biết, lao động trong bảng lương phi nông nghiệp của tháng 11/2022 đã tăng 263.000 việc làm, cao hơn mức dự báo trước đó là 200.000 việc làm. Mặc dù các doanh nghiệp ngành công nghệ đua nhau sa thải lao động, nhưng các doanh nghiệp lĩnh vực khác lại tuyển dụng nhiều nhân công hơn dự kiến, đồng thời với đó là tăng lương cho họ.
Tỷ lệ lao động thất nghiệp trong tháng 11 tại Mỹ cũng bằng với dự đoán trước đó cũng như mức của tháng 10 là 3,7%. Đồng USD tiếp tục giảm trong giỏ thanh toán quốc tế.
Chuyên gia nhận định, sau 2 báo cáo tăng trưởng kinh tế và việc làm tích cực và Chủ tịch Fed đã phát đi tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất, cho thấy đồng USD sẽ không còn được hỗ trợ. Khi kinh tế tích cực, việc làm ổn định và lạm phát vẫn theo chiều hướng đi xuống thì Fed có thể còn dừng tăng lãi suất đồng điều hành USD.
Đồng USD rẻ đi đã giúp các nhà đầu tư quay lại mua vàng, bởi chi phí lưu ký kim loại quý thấp. Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, khi kinh tế tăng trưởng tích cực, rủi ro trên thị trường bị hạn chế, có thể vàng sẽ không còn được hỗ trợ. Do đó, nhà đầu tư cần nhanh chóng chốt lời sớm khi giá vàng 2 phiên trước đó đã tăng rất mạnh. Tuần qua, giá vàng thế giới đã tăng 51 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC đã đảo chiều giảm so với chốt phiên trước. Cụ thể, cùng thời điểm trên, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,15 - 66,97 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 66,2 - 67 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,2 - 67 triệu đồng/lượng.
Tuần qua giá vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới, tăng mạnh vào 2 phiên giữa tuần, nhưng phiên cuối tuần lại giảm sâu. Do đó, kết tuần giá vàng thế giới tăng, nhưng vàng SJC lại giảm mạnh.
Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường tự do đã giảm 450.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji giảm 300.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giảm 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp trong nước, sau khi giá vàng SJC tăng mạnh, phiên chiều qua thị trường đã chứng kiến các nhà đầu tư quay lại chốt lời. Tỷ lệ bán ra đạt khoảng 55% và mua vào khoảng 45% tổng giao dịch trên thị trường.
Thực phẩm đồng loạt tăng giá
Chị Oanh, kế toán một công ty chuyên về hàng điện tử nhập khẩu ở Quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết khá đau đầu mỗi khi đi chợ vì thấy mặt hàng nào cũng tăng giá mạnh. Hiện các loại cá nuôi - món ăn quen thuộc của gia đình chị - đang tăng 25-30% so với tháng trước.
"Sáng nay, tôi mua con cá lóc một kg với giá 90.000 đồng, đắt hơn 20.000 đồng so với tuần rồi", chị Oanh nói.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống như Phạm Văn Hai (Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định (Quận 1)... cho thấy không chỉ cá nuôi, các nhóm cá biển như cá bớp, cá hồi... cũng đang tăng giá khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước, lên lần lượt 350.000 đồng và 600.000 đồng/kg.
Cô Hằng, tiểu thương bán cá ở chợ Xóm Mới (Gò Vấp), cho biết từ đầu năm đến nay, giá sỉ mặt hàng này đã tăng 3-4 lần và cuối tháng 11 tăng 5-25% khiến sức mua giảm mạnh.
Tương tự, các loại rau xanh như súp lơ, xà lách hiện cũng đắt thêm 5.000 đồng/kg lên 70.000 đồng. Hành lá, tía tô, húng quế tăng 10.000 đồng lên 75.000 đồng/kg...
Theo cô Huệ, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), sau đợt tăng này, giá các loại rau xanh đang xác lập mặt bằng mới cao nhất từ đầu năm đến nay. "Giá rau củ, gia vị tăng liên tục, tôi chỉ dám nhập hàng nhỏ giọt. Bởi nếu nhập nhiều bán không hết, chúng sẽ nhanh hỏng và nguy cơ âm vốn", cô nói.
Với nhóm nước giải khát và bia, nhiều đại lý cũng đã điều chỉnh thêm 2.000 - 15.000 đồng một thùng bắt đầu từ 1/12. Riêng các mặt hàng khô và nhập khẩu, đại diện một hệ thống siêu thị ở TP Hồ Chí Minh cho biết, đa phần doanh nghiệp xin điều chỉnh tăng giá cho giai đoạn ký hợp đồng mới...
Lý giải nguyên nhân giá hàng hóa lên mạnh dịp cuối năm, các đại lý bia, nước ngọt cho biết do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là tiền nhân công. Mấy năm trước, giá thuê một nhân viên vận chuyển, bán hàng dịp gần Tết chỉ 200.000 - 250.000 đồng một ngày, nay lên 300.000 - 350.000 đồng, chưa kể phát sinh thêm các chi phí thuê kho bãi chứa hàng...
Liên quan mặt hàng cá, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh), cho rằng nhu cầu sản xuất chế biến sản phẩm dịp Tết Nguyên đán cao khiến nguồn cung thiếu hụt. Trong khi đó, sản lượng cá lóc nuôi vào chu kỳ thu hoạch giảm 50-60%, đẩy giá mặt hàng này tăng nhanh.
Riêng với nhóm rau, củ quả - ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (Củ Chi) - nhìn nhận có ba nguyên nhân chính khiến giá tăng cao.
Thứ nhất là do tháng 11 mưa kéo dài khiến gốc của các loại rau xanh bị thối gây hư hỏng nặng, sản lượng tại các hộ trồng giảm tới 70%, thậm chí nhiều hộ mất trắng. Ông dẫn chứng, tuần qua, tại vùng trồng của công ty, rau cải thìa, cải ngọt sản lượng giảm 80% do hư hỏng. Trong khi đó, tại hộ nông dân được bao tiêu, sản lượng cũng sụt giảm nghiêm trọng. "Trước đây, một ngày chúng tôi cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh 2,5-3 tấn rau, nay chỉ 700 kg đến một tấn", ông Hải nói.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Hải là chi phí đầu vào cho canh tác rau tăng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái đẩy giá thành lên mốc mới. Cuối cùng là sức mua trên thị trường sụt giảm khiến người trồng gặp khó khăn đầu ra nên họ đã giảm diện tích. Hơn nữa, mùa Tết, nhiều hộ chọn cách chuyển đổi từ trồng rau sang trồng hoa và cây kiểng khiến nguồn cung toàn thị trường giảm mạnh.
Ngoài các lý do trên, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản còn cho rằng việc lãi suất ngân hàng, USD đi lên làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nuôi trồng... gây áp lực lên mặt bằng giá cả trong nước. Để tránh tình trạng giá hàng hóa tăng "sốc" dịp cận Tết Nguyên đán, đơn vị này đề nghị Cục trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản rà soát lại các vùng nuôi trồng.
Tháng 12, giá gas tăng 14.000 đồng/bình 12 kg
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh tăng giá mặt hàng này từ ngày 1/12. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 13.000 - 14.000 đồng, loại 45 kg tăng 52.000 - 53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết từ 1/12, giá gas của công ty tăng 14.000 đồng/bình 12 kg và 58.500 đồng/bình 50 kg.
Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 461.500 đồng/bình 12 kg và 1.922.000 đồng/bình 50 kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết, từ ngày 1/12 giá gas tăng 14.000 đồng/bình 12 kg và 52.515 đồng/bình 45 kg so với tháng 11.
Tương tự, Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/12 giá gas tăng 13.000 đồng bình 12 kg; giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng 438.000 đồng/bình 12 kg.
Theo các doanh nghiệp, do giá gas thế giới tháng 12 chốt 650 USD/tấn, tăng 40USD/tấn so với tháng 11 nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới. Nhiệt độ tại nhiều khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và phía Bắc châu Á xuống thấp, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao vào mùa đông khiến giá gas thế giới tiếp đà đi lên trong tháng 12.
Giá xăng dầu giảm hơn 1.000 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/12, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel 700 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 giảm 1.000 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 1.080 đồng/lít; Dầu diesel giảm 1.590 đồng/lít; Dầu hoả giảm 1.080 đồng/lít; Dầu mazut giảm 830 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.670 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.700 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S:không cao hơn 23.210 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 23.560 đồng/lít; Dầu mazút không cao hơn 13.950 đồng/kg.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã có lần giảm thứ 2 liên tiếp sau 4 lần tăng. Tính đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 32 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 14 lần giảm, một lần giữ nguyên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo