Vì sao nông sản Việt khó thâm nhập siêu thị Đông Âu?
DNVN - Có nhiều lý do khiến nông sản và thực phẩm Việt Nam khó tiếp cận, thâm nhập vào hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ tại Đông Âu dù thị trường này được đánh giá còn nhiều dư địa và tiềm năng.
Doanh nghiệp bất động sản mất khả năng thanh toán, lựa chọn nào tốt cho trái chủ? / Cần giải pháp cấp bách để nhanh chóng phục hồi du khách quốc tế đến Việt Nam
Nhiều dư địa
Tại diễn đàn "Thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu năm 2022" ngày 2/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan cho biết, Đông Âu có mối quan hệ chính trị và kinh tế lâu đời với Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu (XK) của Việt Nam trên tổng giá trị nhập khẩu (NK) của thị trường Đông Âu còn khá khiêm tốn, cụ thể mới chỉ trên dưới 1%. Còn kim ngạch XK mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này cũng chỉ chiếm từ 1 - 2%. Có thể nói đây là thị trường nhiều tiềm năng, còn nhiều dư địa cho các mặt hàng của Việt Nam.
Đánh giá thực trạng XK một số loại nông sản và thực phẩm vào Đông Âu, ông Nguyễn Thành Hải chia sẻ, cá tra đông lạnh đang ngày càng được khách hàng Châu Âu nói chung, Đông Âu nói riêng ưa chuộng và mặt hàng này sẽ được hưởng thuế suất 0% trong năm 2023. Các loại thủy sản khác như sò điệp, hàu, bạch tuộc từ Việt Nam cũng được giảm thuế quan về 0% trong năm tới. Tuy nhiên, trên thị trường Đông Âu chưa xuất hiện nhiều sản phẩm loại này của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hải - Tham tán thương mại Việt Nam tại Ba Lan.
Ngay từ khi có hiệu lực, EVFTA đã đưa thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%. EU là thị trường chiếm 40% xuất khẩu cà phê của Việt Nam, trong đó các nước Đông Âu chiếm khoảng 12%.
Theo điều tra, cà phê, điều, tiêu xuất khẩu vào các nước Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech hiện chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, xuất dưới thương hiệu của Đức, Ý. 60% nguyên liệu của các loại cà phê trên thị trường có xuất xứ từ Việt Nam.
Với một số sản phẩm đặc hữu như sâm ngọc linh, sản phẩm được chiết xuất từ gấc, yến sào, hạt mắc ca chưa có thương hiệu và người tiêu dùng gần như chưa biết tới các nhãn hiệu này. Đối tượng tiêu thụ các sản phẩm trên mới chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.
Trong số 9 loại trái cây tiềm năng và có thuế nhập khẩu là 0%, có 3 loại quả gồm thanh long, bưởi, dừa tươi bước đầu đã xâm nhập thị trường, có mặt trên kênh siêu thị và được thị trường đánh giá cao về chất lượng, tuy nhiên độ tươi còn chưa ổn định.
Các loại quả khác Việt Nam có thế mạnh (như măng cụt, dưa hấu, chuối) và một số hoa quả nhiệt đới chưa xuất hiện nhiều trên thị trường. Có thể do vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ sản phẩm của các nước Nam Mỹ do quãng đường vận chuyển ngắn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn tươi hơn.
Khó thâm nhập hệ thống siêu thị
Dù có nhiều tiềm năng nhưng theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Đông Âu, hoạt động XK nông sản, thực phẩm Việt sang Đông Âu đối mặt với không ít khó khăn.
Đó là những bất lợi trong hoạt động logistics để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng bản địa. Đường biển chỉ phù hợp với hàng khô và một số loại quả (bưởi, thanh long, dừa). Thông thường vận chuyển bằng hình thức này mất 42-45 ngày trên biển, chưa kể thời gian vận chuyển nội địa ở hai đầu, tổng thời gian trên 50 ngày mới tới tay người tiêu dùng. Từ đó, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và chất lượng không bảo đảm đối với hàng tươi.
Nhiều lý do khiến nông sản, thực phẩm Việt khó thâm nhập vào hệ thống siêu thị Đông Âu.
Việc vận chuyển nông sản qua đường hàng không vào Châu Âu cũng chưa thuận tiện. Hiện chủ yếu hàng nông sản như hoa quả, rau tươi phải nhập qua Cộng hòa Czech, Hà Lan sau đó chuyển bằng đường bộ tới các nước như Ba Lan, Hungary, Bungary, Slovakia... và sang các nước lân cận ở Tây Âu.
Hiện có tuyến đường sắt kết nối trực tiếp từ Đà Nẵng, Hà Nội đi Trung Quốc, Belarus tới một số nước Châu Âu, trong đó có cả Ba Lan. Thời gian vận chuyển tới các nước Đông Âu từ 22-25 ngày. Tuy nhiên, tuyến vận tải này chỉ phù hợp với hàng trị giá cao.
"Nông sản Việt rất khó tiếp cận và thâm nhập vào hệ thống siêu thị bán buôn, bán lẻ tại các thị trường bản địa. Lý do là chứng chỉ của hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam phần lớn chưa đáp ứng được các yêu cầu để vào siêu thị. Chưa có cơ quan đại diện của EU về kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm soát chất lượng xuất đi. Giá cả nhiều mặt hàng chưa cạnh tranh được với các đối thủ cạnh tranh chính trong ngành, đặc biệt là cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và một số nước Nam Mỹ", ông Nguyễn Thành Hải đánh giá.
Tăng cường ứng dụng công nghệ bảo quản
Từ thực trạng trên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Đông Âu khuyến nghị, cần đẩy mạnh kết nối với hệ thống doanh nghiệp (DN) Việt Kiều hiện đang kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu tại thị trường. Khai thác thế mạnh của cộng đồng người Việt, DN người Việt tại thị trường bản đại.
Phát triển kênh logistics để đưa hàng vào thị trường nhanh và bảo đảm chất lượng hơn. Hiện tại Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan đang hỗ trợ hãng hàng không Ba Lan LOT mở đường bay thương mại trực tiếp giữa Việt Nam và Ba Lan và tiếp sau đó là đường bay vận chuyển hàng hóa.
Cần tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ mới từ EU. Ví dụ, công nghệ Nano ion của Ba Lan và Hà Lan trong bảo quản các loại quả.
Cân nhắc thiết lập kho hàng đầu mối nông sản, thực phẩm tại Ba Lan, Cộng hòa Czech để xuất sang thị trường lân cận với sự hỗ trợ, phối hợp của DN người Việt tại bản địa.
Ngoài ra, cần có chính sách vận động EU mở văn phòng đại diện kiểm dịch tại Việt Nam để kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng rau củ quả.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo