Nhiều doanh nghiệp xin tăng giá thịt, trứng trong đợt bình ổn thị trường năm 2022
TP.HCM hỗ trợ Lâm Đồng tiêu thụ hoa tươi đang bị ùn ứ / Đề xuất thu mua dự trữ lúa gạo theo chương trình quốc gia để kích cầu
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương phát biểu tại buổi họp báo
Chiều ngày 28/3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố.
Thông tin về tình hình biến động giá cả thị trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hết tháng 3/2022, các doanh nghiệp sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn thị trường, đến đầu tháng 4 này các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023 (diễn ra từ ngày 1/4/2022 đến 31/3/2023) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ triển khai chương trình bình ổn thị trường tại từng địa phương. Trong đó, Sở Tài chính sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận và thực hiện.
Dự kiến, nhóm mặt hàng thực hiện bình ổn thị trường năm nay gồm: nhóm hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu lương thực (gạo, mì gói, bún khô, phở khô...), đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến và tươi sống); các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng như tập vở, cặp - ba lô - túi xách, đồng phục học sinh, giày dép học sinh; các mặt hàng sữa.
Năm nay, chương trình sẽ đưa vào danh sách bình ổn giá một số mặt hàng dược phẩm thiết yếu như thuốc giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho - hen phế quản, thuốc tim mạch, thuốc trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, thuốc trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất...
Hiện tại, Sở Tài chính đang tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia đăng ký mặt hàng, giá cả. Theo ghi nhận đến ngày 28/3, giá của thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm mà các doanh nghiệp đăng kí có xu hướng tăng so với mặt bằng giá hiện nay. Mức tăng tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, chủ yếu là thịt gia cầm (tăng từ 6 - 12%) và trứng gia cầm (tăng từ 6 - 8%). Riêng mặt hàng thịt gia súc tăng nhẹ (tăng từ 2 - 3,5%).
Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp cùng hồ sơ liên quan về chi phí đầu vào, trong ngày 29/3, Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ thống nhất giá mặt hàng trong năm 2022.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, khi tham gia chương trình bình ổn giá năm 2022, các doanh nghiệp sẽ được hưởng 5 quyền lợi cơ bản. Bao gồm: được sử dụng logo của chương trình để khai thác trong sản xuất, kinh doanh; được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các chương trình hỗ trợ chính thức của thành phố. Cụ thể: chương trình kích cầu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc doanh nghiệp, chương trình tiếp cận gói tín dụng có mức lãi suất tốt hơn thông thường;
Ngoài ra được ưu tiên kết nối, đưa hàng hoá đến các hệ thống phân phối với mức chiết khấu tốt; được cung cấp danh sách các mặt bằng trống trên địa bàn thành phố để mở điểm bán; các xe tải chở hàng tham gia bình ổn thị trường được ưu tiên lưu thông trong giờ cao điểm…
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sau khi Sở Tài chính chính thức công bố giá hàng hóa trong chương tình bình ổn thị trường, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các doanh nghiệp tham gia trên địa bàn thành phố.
End of content
Không có tin nào tiếp theo