Tiêu dùng

Đề xuất thu mua dự trữ lúa gạo theo chương trình quốc gia để kích cầu

DNVN – Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã có công văn đề xuất Tổ Công tác đặc biệt kiến nghị Chính phủ triển khai Chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thưc, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại ĐBSCL.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc tại các dự án đầu tư / Thủ tướng yêu cầu lập 7 tổ công tác đặc biệt, đưa thêm nhân lực y tế hỗ trợ miền Nam

Sáng 3/8, Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) đã có công văn gửi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương và Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về việc hỗ trợ chính sách phù hợp để duy trì, ổn định sản xuất trong tình hình dịch COVID-19.

Theo Tổ Công tác 970, vừa qua, đơn vị này đã đi khảo sát trực tiếp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói và giết mổ tại khu vực phía Nam, đồng thời tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu.

Cùng đó, báo cáo của Tổ công tác 970 cho biết, ở thời điểm hiện tại, các tỉnh Nam Bộ đang vào thời kỳ thu hoạch nhiều loại nông sản chủ lực, như: lúa Hè Thu gần 1 triệu ha (5,5 triệu tấn lúa); hàng tháng thu hoạch khoảng 640 ngàn tấn trái cây, 500 ngàn tấn rau củ quả; sản xuất khoảng 141 ngàn tấn lợn, 55 ngàn tấn gà, 550 triệu quả trứng gia cầm. Lượng thịt gà công nghiệp còn tồn tọng khoảng 28,3 ngàn tấn, thuỷ sản còn 480 ngàn tấn.

Tổ Công tác 970 đề xuất thu mua dự trữ lúa gạo theo chương trình quốc gia để kích cầu giá lúa gạo.

Tổ Công tác 970 đề xuất thu mua dự trữ lúa gạo theo chương trình quốc gia để kích cầu giá lúa gạo.

Để duy trì, phục hồi sản xuất nông nghiệp hiện nay và trong những tháng sắp tới cũng như ổn định đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, Tổ Công tác 970 đề xuất Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện ưu tiên vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thuỷ sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện “3 tại chỗ”.

Tổ Công tác 970 cũng đề xuất triển khai Chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để đảm bảo an ninh lương thưc, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngoài ra, đề xuất thống nhất cơ chế hỗ trợ lãi suất vay khuyến khích cơ sở sản xuất và doanh nghiệp thu mua nông sản thiết yếu và cung ứng vật tư nông nghiệp; hỗ trợ giá điện sản xuất cho doanh nghiệp để kích cầu sản xuất.

Đồng thời, kiến nghị triển khai rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng là công nhân, người lao động ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp trong phạm vi 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cũng tại cuộc họp trực tuyến với Tổ Công tác 970 vào sáng 3/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thành Nam cho biết, hiện giá lúa Hè thu giảm khá mạnh, cao nhất cũng chỉ 7.500 đồng/kg. Đáng lưu ý, khi công nhân ở các khu công nghiệp di chuyển về vùng nông thôn để tránh dịch, người dân rất lo lắng vì sợ lây nhiễm.

“Bây giờ nông dân khá bi quan, họ đang băn khoăn có nên tiếp tục gieo sạ vụ Thu Đông nữa hay không vì gieo xong rồi, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ ra sao”, ông Nam nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nam, đã xuất hiện tình trạng nông dân lưỡng lự trong việc xuống giống vụ lúa thu đông, vì vậy, nếu không thu mua, kích cầu thị trường lúa Hè Thu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa cả năm.

Trước tình hình trên, ông Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa gạo của người dân vào kho dự trữ quốc gia để động viên nông dân kịp thời sản xuất đúng mùa vụ, đồng thời kích cầu sản xuất nông nghiệp.

Theo Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) sản xuất lúa vụ Hè Thu tại các tỉnh ĐBSCL gieo sạ trên 1,5 triệu ha. Đến cuối tháng 7, vụ lúa đã thu hoạch được 620 nghìn ha và dự kiến trong tháng 8 sẽ có 700 nghìn ha lúa cần thu hoạch.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm