Tiêu dùng

Những điều không thể bỏ qua để tránh bị lừa đảo khi đặt mua dịch vụ du lịch

DNVN - Vụ lừa đảo bán combo du lịch và vé máy bay Nha Trang siêu rẻ, lên tới hàng chục tỷ đồng xảy ra mới đây ở Hà Nội là lời cảnh tỉnh cho cả cơ quan quản lý du lịch và khách hàng đi du lịch trong mùa cao điểm. Vậy người tiêu dùng cần phải lưu ý những gì khi lựa chọn một dịch vụ du lịch, để trở thành khách hàng du lịch thông thái?

Doanh nghiệp thu hơn 40 tỷ đồng từ Ngày hội Du lịch TP.HCM / TP.HCM: Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch y tế

Lừa đảo du lịch: Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng

Trong tháng 7, Ngành du lịch kỉ niệm 60 năm thành lập ngành, những người làm ngành du lịch đang oằn mình để có thể “sống sót” trong đại lịch Covid-19, cố gắng thu hút lại nguồn khách nội địa bù đắp phần nào những tổn thất do đại dịch gây ra. Nhưng cũng ngay thời gian này, vụ lừa đảo du lịch lớn nhất trong lịch sử mấy chục năm cũng lần đầu tiên xảy ra, để lại không biết bao nhiêu hệ quả.

Lừa đảo du lịch không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại từ nhiều năm nay dưới nhiều hình thức. Từ lừa đảo vé máy bay cung cấp code giả nhưng không bay được, tới bán voucher khách sạn nhưng tới nơi lại không đầy đủ dịch vụ hay phải trả thêm tiền mới được sử dụng. Nhưng các chiêu thức lừa đảo kiểu này chủ yếu chỉ ở dạng nhỏ lẻ, trị giá dịch vụ chỉ từ vài trăm nghìn cho tới vài chục triệu đồng, nhiều nhất là hình thức lừa đảo vé máy bay quốc tế. Cũng vì vậy mà trên rất nhiều diễn đàn, hội nhóm trên mạng, các chị em hay hỏi nhau đã ai giao dịch với người này, người kia chưa, có tin tưởng được chưa… cũng như một hình thức kiểm tra tin cậy của đại lý.

Thế nhưng riêng lần này, giá trị vụ lừa đảo lên tới hàng chục tỉ đồng, liên quan tới hàng trăm con người nhưng lại chỉ xuất phát từ một phòng vé máy bay tại Hà Nội. Sản phẩm mà phòng vé này đưa ra là combo du lịch Hà Nội- Nha Trang, 4 ngày 3 đêm, chỉ với giá 1,7 triệu, 2 triệu hoặc 2,650 triệu đồng/người với lịch trình cuối tháng 7, bay của hãng Vietnam Airlines và ở tại khách sạn Queen Ann Nha Trang 4 sao.

Cuối tháng 7 là thời điểm du lịch cao điểm, giá vé máy bay vô cùng đắt đỏ nên đây chắc chắn là một món hời mà không ai muốn bỏ qua. Không chỉ bán trực tiếp cho khách hàng mà phòng vé này còn mở rộng kênh bán bằng hình thức cộng tác viên, F1 rồi F2. Nhiều khi chính cộng tác viên cũng không hề hay biết mình đang bán sản phẩm của công ty nào.

Nhu cầu du lịch tăng cao vào mùa cao điểm hè, chính là lúc nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng để lừa tiền khách hàng.

Nhu cầu du lịch tăng cao vào mùa cao điểm hè, chính là lúc nhiều kẻ lừa đảo lợi dụng để lừa tiền khách hàng.

Tới khi gần tới ngày khởi hành mà vẫn không được cung cấp code vé, mã đặt phòng khách sạn, khách hàng mới liên lạc với cộng tác viên và được biết chủ phòng vé đã bỏ trốn. Số khách hàng liên đới lên tới hàng trăm khách và tổng số tiền giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng. Gần đến ngày đi du lịch nhưng trong tay không có gì, tiền mất lại chuốc thêm rất nhiều bực mình vào người, các khách hàng kêu trời. Các cộng tác viên với phòng vé này, phần nhiều là những người đang có khó khăn về tài chính, bị mất thu nhập do dịch Covid-19 nên đi làm thêm để kiếm chút hoa hồng, nay lại mang trên mình những khoản nợ khổng lồ và tai tiếng với những người thân quen mua sản phẩm từ mình.

Chưa biết chuyện này sẽ được cơ quan chức năng giải quyết như thế nào, liệu có bắt được kẻ chủ mưu và đền bù cho những người mất cả chuyến du lịch hay gánh nợ hay không, nhưng là lời cảnh tỉnh cho rất nhiều người ham lợi, tìm kiếm những sản phẩm rẻ nhưng không ‘ngon, bổ’ chút nào.

Để người tiêu dùng bị lợi dụng: Kẽ hở của buông lỏng quản lý

Để một sự việc đáng buồn như vậy diễn ra, lỗi đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý địa phương. Theo Chỉ thị 14, năm 2015 của Thủ tướng chính phủ đã nêu rõ trách nhiệm của cấp quản lý địa phương trong việc quản lý chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch trên địa bàn, từ việc quản lý giá, cung cấp các số điện thoại hotline và hỗ trợ khách du lịch. Việc kinh doanh dịch vụ du lịch là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép, và được kiểm tra liên tục. Việc không kiểm tra liên tục, thường xuyên cũng góp phần dẫn đến tạo ra những kẽ hở để các công ty lách luật gây ra thiệt hại cho khách hàng. Việc một phòng vé không có chức năng làm du lịch bán hàng trăm các combo du lịch cũng là một lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý của cac cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.

Nhưng thường chính quyền, quản lý nhà nước chỉ can thiệp khi đã xảy ra sự cố, đó cũng là khi người tiêu dùng chịu thiệt hại, và có những thiệt hại không thể bù đắp bằng tiền. Đó cũng là lỗi của những cộng tác viên, những người tiêu dùng khi đã lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ không đủ uy tín và tin cậy để mua dịch vụ.

Làm thế nào để trở thành khách du lịch thông thái?

Tiền đã mất, chuyến du lịch cũng đã không thể thực hiện hay phải mua lại với giá cao hơn nhiều, cùng với các cộng tác viên mùa vụ đang oằn mình gánh nợ, hẳn không ai muốn lặp lại sai lầm tương tự. Vậy là như thế nào để có thể trở thành một khách hàng thông thái.

Điều đầu tiên hãy nghĩ đến khi mua dịch vụ du lịch là khách hàng phải mua sản phẩm từ một công ty được cấp phép hoạt động du lịch, có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành. Theo quy định, các công ty lữ hành đều phải ký một khoản quỹ để có thể được cấp phép, trong mọi trường hợp, khi công ty gặp sự cố, phá sản… khách hàng sẽ được đền bù từ chính khoản ký quỹ này. Các công ty hoạt động du lịch ở Việt Nam hiện nay lên tới hàng nghìn công ty, đều được niêm yết thông tin trên các cổng thông tin của Sở du lịch các tỉnh và Hiệp hội du lịch, cùng với số giấy phép lữ hành. Chỉ cần một thao tác đơn giản, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về một công ty.

Nếu khách hàng làm việc với cộng tác viên, không phải nhân viên trực tiếp của công ty, hãy đảm bảo cộng tác viên đó có hợp đồng cộng tác viên với công ty du lịch, để trong trường hợp có bất kì vấn đề gì, công ty du lịch sẽ chịu trách nhiệm giải quyết.

Khi mua dịch vụ du lịch, khách hàng cần yêu cầu gửi xác nhận bằng văn bản, email xác nhận dịch vụ cùng các điều kiện liên quan. Việc kiểm tra kỹ mọi thông tin trước chuyến đi sẽ đảm bảo cho một chuyến đi an toàn, thoải mái, đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng chung của ngành du lịch Việt Nam.

Những vụ siêu lừa đảo du lịch ở Việt Nam

Từ 20/7/2020, trên mạng xã hội xôn xao câu chuyện về một phòng vé bán combo du lịch nghỉ dưỡng với giá rẻ bất ngờ, sau đó người chủ ôm hàng chục tỷ bỏ trốn. Phòng vé nói trên có địa chỉ tại số 66X ngõ Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Cửa hàng này đã đóng cửa, toàn bộ thông tin quảng cáo, biển hiệu đã được tháo dỡ hoàn toàn.

Thoạt tiên có vẻ ai cũng ngạc nhiên vì sự cả tin của những người trong cuộc nhưng thực sự các đại lý bán combo du lịch giá rẻ lừa đảo có nhiều cách "dụ" khách rất tinh vi.

Đánh vào tâm lý ham mua gói du lịch giá rẻ, lại chọn đúng thời điểm cao điểm du lịch, nhiều người đang muốn "đổi gió" và các điểm đến hấp dẫn, nhiều công ty, phòng bán vé du lịch đã tung "chiêu" lừa đảo tiền tỷ của nhiều khách hàng rồi bỏ trốn.

Cửa hàng 66x Núi Trúc, Hà Nội đóng cửa sau khi lừa đảo hàng chục tỷ đồng của khách du lịch.

Cửa hàng 66x Núi Trúc, Hà Nội đóng cửa sau khi lừa đảo hàng chục tỷ đồng của khách du lịch.

Mới đây, báo chí đưa tin một số khách hàng và nhân viên bán combo du lịch lên tiếng "tố" phòng vé Anh Anh, tại địa chỉ Núi Trúc, phố Núi Trúc, Ba Đình Hà Nội đã ôm tiền của khách và cộng tác viên bán combo du lịch rồi bỏ trốn, khiến nhiều người mất số tiền không hề nhỏ. Số tiền chủ phòng vé Anh Anh đã thu của khách hàng ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Theo phản ánh của những người này, để tạo niềm tin cho những cộng tác viên bán combo du lịch giá rẻ, phòng vé đã tổ chức cho nhiều đoàn khách đi du lịch với giá rất rẻ, tạo được hiệu ứng và đánh giá tốt trên Fanpage Facebook, thu hút cả trăm người cộng tác bán combo du lịch cho phòng vé.

Ngày 20/7/2020, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trước thông tin nhiều người sập bẫy lừa đảo combo du lịch giá rẻ, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản gửi Công an thành phố Hà Nội, UBND quận Ba Đình và Công an quận Ba Đình đề nghị kiểm tra, xác minh xử lý thông tin phản ánh.

Vụ việc ở Hà Nội, đây không phải lần đầu những vụ phòng vé "ôm" tiền của khách rồi hủy tour, không trả lại tiền. Tháng 7/2019, nhiều khách hàng tố cáo công ty Mai Linh Chi (tại quận 3, TP HCM) về việc "om" tour đi nước ngoài, lừa đảo hàng trăm khách hàng.

Theo đó, không ít người đã tin vào những lời quảng cáo của công ty này về các tour du lịch đi nước ngoài giá rẻ, kèm những hình ảnh đẹp đẽ trên Facebook. Sau khi chuyển tiền cho công ty Mai Linh Chi thì hàng loạt tour đều bị hủy. Thậm chí, có những lịch trình đáng lẽ phải xuất phát từ năm 2018 thì đến 2019 - tại thời điểm khách hàng tố cáo công ty thì vẫn không được thực hiện.

Mất từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tổng số tiền mà công ty này thu của khách ở thời điểm 2019 lên đến 3 tỷ đồng. Kéo đến trụ sở công ty để đòi lại tiền thì biển công ty cũng không còn và Facebook cũng thông báo công ty đã phá sản khiến khách hàng chỉ biết ngậm ngùi mất tiền lại không được đi du lịch.

Hồi tháng 7/2014, vài chục du khách mua tour du lịch Thái Lan, Singapore... của Công ty du lịch Anh Kiệt (tại quận 4, TP HCM) và đặt mua tour qua một website đã bị thông báo hủy tour vào đúng ngày khởi hành.

Tìm đến trụ sở thì chứng kiến công ty trong tình trạng "vườn không nhà trống"... Ước tính trước khi biến mất, Công ty Anh Kiệt đã "ôm" vài tỷ đồng từ các đại lý, đối tác, khách du lịch.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm