Tìm lại thị trường cho hồ tiêu Việt Nam
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Doanh nghiệp Việt tuyệt đối không được "bỏ trứng vào 1 rổ" / Cần Thơ: Lão nông miền Tây thành tỷ phú nhờ nuôi dúi
Vỡ quy hoạch
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh, năm 2010 cả nước có 51,3 ngàn ha, năm 2014 là 85,6 ngàn ha, đến hết 2017 theo số liệu của các tỉnh là 151,9 ngàn ha, tăng 196% so với năm 2010, tăng 22% so với năm 2016 và vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn ha.
Các địa phương đua nhau phát triển hồ tiêu bởi những năm trước đây sản phẩm này rất được giá, lại dễ trồng. Tuy nhiên, việc phát triển nóng đã đi kèm với hệ lụy giảm chất lượng rõ rệt. Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn, tăng 34,3% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015 thì những năm sau đó đến nay, giá trị xuất khẩu giảm dần.
Đến năm 2017 giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016; năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1%. Nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn với giá trị đạt 463,3 triệu USD, tăng 34,1% về lượng, song lại giảm gần 1% về giá trị so với cùng kỳ 2018.
Chi phí sản xuất hạt tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hạt tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.
Điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Về năng suất, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Bộ NN&PTNT nhận định: Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được đánh giá chưa bền vững chủ yếu do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; công tác giống còn nhiều hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện.
Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.
Cần nâng giảm tỷ lệ tiêu hạt vầ nâng tiêu bột để thu về giá trị cao hơn - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương |
“Siết” quy hoạch, tìm hướng phát triển mới
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…
Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất cung ứng giống tiêu trên địa bàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, đảm bảo phân bón được sản xuất theo đúng quy trình công nghệ. Không ngừng nâng cao năng lực nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của cây giống, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh thông qua công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình…
Đứng từ góc độ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhiều mô hình liên kết sản xuất như câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu giỏi hình thành ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp gắn với người sản xuất trong chuỗi sản xuất - thương mại mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm.Các công ty Phúc Sinh, Simexco Đắk Lắk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân thông qua các tổ chức như Hội Hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Lộc Ninh, Đăk Song, Sơn Thành, Phú Quốc để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh hồ tiêu trong nước và xuất khẩu.
Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng đã khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn với giá trị đạt 463,3 triệu USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương