Thị trường

Tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và trái chủ

Những điểm mới từ Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp trái chủ và DN phát hành tìm được tiếng nói chung vượt qua khó khăn trước mắt.

Làm sao để du lịch Việt Nam không “đi trước, về sau”? / Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm

Thay vì trả nợ bằng tiền, doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể trả nợ bằng tài sản khác như bất động sản; được phép giãn hoãn thời gian đáo hạn trái phiếu tối đa 2 năm nếu có sự đồng ý củatrái chủ.

Những điểm mới từ Nghị định 08 sửa đổi Nghị định 65 do Chính phủ vừa ban hành về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gần đây đang được kỳ vọng sẽ giúp trái chủ và doanh nghiệp phát hành tìm được tiếng nói chung vượt qua khó khăn trước mắt.

Cũng từng căng thẳng, cũng từng bức xúc với doanh nghiệp vì khoản đầu tư trái phiếu chưa thể đáo hạn do nhiều vướng mắc, nhưng với những nhà đầu tư trái phiếu như chị Quý, đây là lúc chị chọn cách bình tĩnh lại để tìm giải pháp.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Mọi vấn đề đều có yếu tố từ bản thân mình. Quan điểm của tôi là bình tĩnh để đầu của mình nguội lại và tìm ra giải pháp. Tôi đánh giá Nghị định khá tích cực, đảm bảo quyền lợi cho trái chủ", chị Nguyễn Thị Quý, nhà đầu tư, cho biết.

Tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và trái chủ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Việc đưa ra các quy định mới giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường. Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển thị trường một cách minh bạch, bền vững", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định.

Về phía doanh nghiệp, Nghị định 08 cũng cho họ thêm không gian để giải quyết bài toán áp lực dòng tiền lúc này. Tuy nhiên họ cũng cần phải mang đến bàn đàm phán những tài sản có giá trị để mặc cả vì chỉ cần có trái chủ không đồng ý doanh nghiệp lập tức phải quay lại phương án trả nợ bằng tiền.

Theo giới phân tích, thị trường trái phiếu, tín dụng và bất động sản có tính liên thông như chiếc bình thông nhau. Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể được ví như nguồn lực khơi thông, là chính sách hỗ trợ mang tính kích hoạt.

Tuy nhiên để sự hỗ trợ được lan tỏa và tối ưu, điểm nghẽn về tín dụng, về pháp lý phải được tháo gỡ, từ đó mới đủ điều kiện để đạt được mục tiêu gỡ khó cho thị trường trái phiếu do Chính phủ đề ra.

Trong Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa ban hành, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 được đánh giá còn gặp nhiều thách thức. Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục chú trọng tìm giải pháp tháo gỡ cho các lĩnh vực này trên tinh thần đảm bảo một thị trường đầu tư "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

 

Thanh khoản dồi dào hỗ trợ giảm lãi suất

Nút thắt về áp lực trả nợ đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản sau Nghị định 08 đã được nới rộng hơn. Nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều phương thức hơn để đàm phán với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Những điều này ít nhất về mặt tâm lý đã khiến thị trường tài chính tiền tệ bớt căng thẳng hơn trước.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng. Hiện cả lãi suất liên ngân hàng cũng như thị trường lãi suất trên thị trường dân cư đều đã giảm nhiệt. Nếu điều này tiếp tục được củng cố vững chắc hơn thì việc giảm lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã dồi dào trở lại. Với trên 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. Điều này cũng có nghĩa là nhà điều hành sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cần kíp về lượng tiền thanh toán cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp. Chỉ từ 4,6 - 6,4% tùy từng kỳ hạn. Chính điều này đã tác động lớn đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại.

"Bơm VND ra sẽ tạo ra thanh khoản tiền VND dồi dào hơn. Chính nhờ việc đó nên lãi suất trên thị trường đã có xu hướng đi xuống", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong, cho biết.

 

Sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng càng được củng cố khi thời gian qua cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã bơm ra một lượng lớn VND ra để mua một lượng lớn ngoại tệ, trên 3,6 tỷ USD. Lãi suất vì thế càng được củng cố giảm.

"Hơn 70.000 tỷ đồng đã được tung ra nền kinh tế trong thời gian qua khiến lãi suất hiện nay đã giảm từ 0,5 - 1,5% điểm phần trăm", TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho hay.

Hiện đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động từ 0,2- 0,5%/năm. Số lượng ngân hàng giảm lãi suất được dự đoán sẽ còn tiếp tục gia tăng. Khi lãi suất đầu vào giảm rõ rệt, lãi suất cho vay ra cũng sẽ tương ứng giảm theo.

Mặc dù còn nhiều sức ép và áp lực, nhưng điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất thấp hơn nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nền kinh tế đang được củng cố và thuận lợi, nhất là khi chỉ số tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ là 0,77%.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm