Thị trường

Tín hiệu lạc quan từ kinh tế Thủ đô

Năm 2023 đã đi qua hai quý với nhiều khó khăn chồng chất đến cả từ bên trong và từ bên ngoài, cả trước mắt và lâu dài. Mặc dù vậy, kinh tế cả nước và Thủ đô đã ghi nhận nhiều động thái phục hồi kinh tế tích cực, nhất là trong những tháng đầu quý III/2023.

Muốn ngành dược phát triển phải có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” / Sức mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng dịp lễ Quốc khánh

Tín hiệu lạc quan từ kinh tế Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2023. Ảnh: Thịnh An

GRDP của Hà Nội tăng 5,97%

Những khó khăn 2023 đến từ sự suy giảm cả tổng cung và tổng cầu, áp lực lạm phát, lãi suất cao trên cả thị trường trong nước và thế giới, trong khi sức chịu đựng của cả cộng đồng DN và nhiều bộ phận dân cư đã tới giới hạn...

Theo dự báo mới nhất của IMF, WB và ADB, tăng trưởng kinh tế chung của thế giới năm 2023 sẽ thấp hơn năm 2022 và tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể chỉ đạt khoảng 4,7 - 5,8% thay vì mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đề ra và hiện chưa điều chỉnh.

Mặc dù vậy, kinh tế Thủ đô đã ghi nhận những kết quả tích cực. Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP của Hà Nội tăng 5,97%, gấp 1,3 lần mức tăng GDP cả nước, xếp thứ hai trong 5 TP trực thuộc T.Ư. Tổng thu NSNN đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,22%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%.

Tính chung 7 tháng, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,5%. Tổng cộng có 24,2 nghìn DN thành lập mới và hoạt động trở lại, so với có 17,3 nghìn DN giải thể và tạm ngừng hoạt động trên địa bàn.

 

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,609 triệu lượt người, gấp 2,3 lần (khách quốc tế ước đạt 1,684 triệu lượt người, tăng 4,9 lần)... Đáng chú ý, trong khi tổng vốn FDI đăng ký cả nước đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8%. Riêng Hà Nội thu hút 2,282 tỷ USD vốn FDI.

Để đối phó với những khó khăn và những vấn đề mới phát sinh, thách thức từ bên ngoài, củng cố niềm tin chính sách và thị trường, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã chủ động khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế (tổng cộng ban hành tới 50 Nghị định, 130 Nghị quyết; 19 quyết định quy phạm pháp luật và 945 quyết định cá biệt, 23 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nổi bật là Nghị quyết 105/NQ-CP...), chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện và phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023...

Khắc phục hạn chế, yếu kém

Quán triệt chỉ đạo của T.Ư và xuất phát từ thực tiễn địa phương, Thành ủy và chính quyền Thủ đô đã nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, chậm trễ trong 6 tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tiếp tục thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế.

Tín hiệu lạc quan từ kinh tế Thủ đô

Đặc biệt, ngày 16/8/2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4097 về thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND TP Hà Nội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, TP đang và sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan T.Ư và các địa phương liên quan, tập trung hỗ trợ DN đa dạng hóa và mở rộng thị trường; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tài chính - tín dụng tạo điều kiện cho các DN và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn.

 

Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công và khuyến khích thu hút đầu tư các cụm công nghiệp, hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực và phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn, các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch phù hợp tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Đồng thời phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng và tính liên kết ngành cao; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, chất lượng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn...

HĐND và UBND TP đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của Nhân dân và DN; nhận diện và khắc phục tình trạng trì trệ, chồng chéo, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ. Tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm cá nhân và giải trình với người dân; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất, đưa kết quả giải ngân thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua năm 2023.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng TP tăng cường phối hợp với các cơ quan T.Ư và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường; sớm hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất...

 

Có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, Hà Nội không chỉ phát huy vị thế Thủ đô, đồng hành, mà còn luôn xứng đáng là trung tâm động lực, đầu tàu kinh tế mạnh mẽ, ổn định và tin cậy của cả nước.

Những nỗ lực và sự đồng thuận, đồng lòng “dọc ngang thông suốt”, với truyền thống cách mạng và tinh thần kiên quyết "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", dám nghĩ, dám làm, chủ động đổi mới sáng tạo, khả năng tăng năng lực và hiệu quả phản ứng chính sách và phản ứng thị trường nhằm thích ứng và khai thác tốt những tiềm năng, cập nhật và nắm bắt kịp thời những cơ hội mới trong thời gian tới...

Tất cả là căn cứ cho kỳ vọng Hà Nội sẽ tăng tốc, tạo bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, tiếp tục phát triển Thủ đô đồng đều, toàn diện và bền vững, đồng hành và góp phần quan trọng vào hành trình đạt được các mục tiêu phát triển chung của cả nước năm 2023 và kế hoạch 2021 - 2025...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm