Muốn ngành dược phát triển phải có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”
An Giang: 30.000 viên thuốc tân dược nghi nhập lậu bị tạm giữ / Dược mỹ phẩm thuần chay sản xuất bởi người Việt, an toàn với sức khoẻ
Dự báo quy mô thị trường lên tới 13 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 6% GDP (năm 2022), dự báo sẽ tăng đến 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm và tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm, y tế của khu vực.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2022, với tăng trưởng kép là 10,6%. Sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị.
Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỷ USD. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2022 đạt khoảng 75 USD.
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh.
Chia sẻ với Thương hiệu Việt, TS Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển hơn nữa quy mô thị trường y dược. Đó là lợi thế của thị trường trường lớn (hàng trăm triệu dân), tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển với sự đầu tư lớn cho sức khỏe. Quy mô thị trường tăng nhanh là một trong những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm.
“Thời gian qua, năng lực của doanh nghiệp trong nước trên lĩnh vực dược phẩm đang phát triển nhanh. Giai đoạn 2001-2011, thuốc trong nước chỉ chiếm 17% nhưng đến nay đã chiếm 46% trên thị trường. Chúng ta có nhu cầu lớn, có năng lực phát triển ngành dược”, ông Tú Anh chia sẻ.
Cũng theo ông Tú Anh, các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá Việt Nam là nơi có nguồn dược liệu phong phú và năng lực sản xuất tốt. Thành công của ngành điện tử tại Việt Nam là một trong những bài học được thế giới đánh giá rất cao và dược phẩm cũng có khả năng, triển vọng như vậy.
Cần những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”
Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y dược.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến nay, Việt Nam đã có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất của Tổ chức Y tế thế giới). Trong đó, có 7 nhà máy sản xuất vắc xin và 6 nhà máy đóng gói thứ cấp vaccine, 77 nhà máy sản xuất thuốc dược liệu.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thuốc thiết yếu; ưu đãi nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới.
Cần thu hút đầu tư nước ngoài để tạo bệ phóng cho ngành dược.
Việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc công nghệ cao cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn lực chất lượng cao, đào tạo. Hiện nay, chưa có các chính sách, cơ chế để thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất các thuốc này.
“Ngành dược đòi hỏi đầu tư công nghệ rất cao và hàm lượng tri thức rất lớn. Do đó nếu muốn phát triển nhất định phải có những doanh nghiệp “sếu đầu đàn”. Việt Nam không thể phát triển ngành dược mà chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa, với giá trị gia tăng thấp. Đồng thời cần thu hút đầu tư nước ngoài để tạo bệ phóng”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Theo ông Tú Anh, bản chất của ngành dược là tác động tới sức khỏe người dân. Do đó, quan trọng nhất là ngành dược phải theo chuẩn quốc tế. Cần chuẩn hóa ngay quy định sản xuất để các sản phẩm Việt Nam sản xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế.
“Tôi nói vui, nhìn thấy quảng cáo về dược phẩm Việt, chúng ta thấy như thần dược nhưng lại chưa thấy sản phẩm đó bán được ra nước ngoài. Đầu tư cho ngành dược phẩm, đặc biệt là về công nghệ đòi hỏi mức đầu tư lớn. Bởi vậy, phần đầu tư cơ bản cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phải có cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Kinh nghiệm của các nước trong phát triển ngành dược đều như vậy”, ông Tú Anh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo