Kinh tế Việt Nam năm 2021: Làm gì trên ‘6 bậc thang’ còn lại?
Xuất khẩu điện thoại và máy vi tính cùng cán mốc 20 tỷ USD / Xuất khẩu thủy sản 6 tháng tăng gần 14%
Ảnh minh họa. |
Bảo vệ các trung tâm kinh tế
Không phải ngẫu nhiên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) đến thăm Việt Nam vào thời điểm rất nhạy cảm khi đợt bùng phát thứ tư của COVID-19 buộc nhiều tỉnh, thành phố và khu công nghiệp lớn của chúng ta phải giãn cách xã hội, không nhiều thì ít, dẫn tới đình trệ sản xuất và gây lo lắng cho người dân.
Bà Victoria Kwakwa, từng là Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nay là Phó Chủ tịch của ngân hàng này, đến và một lần nữa “đóng dấu cho sự tin cậy” của những con số tăng trưởng nửa đầu năm của nền kinh tế Việt Nam và một phần nào tiếp thêm nguồn cảm hứng khi cam kết tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án phát triển của Việt Nam trên con đường hội nhập. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam đã có khung chính sách phát triển tương đối hoàn thiện, trong đó có chiến lược phát triển các vùng trọng điểm kinh tế. Đây là một trong những cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, cho dù phải dốc nhiều nguồn lực vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Thứ đến là chiến lược chuyển đổi số. Việt Nam đang áp dụng công nghệ không dây nhanh hơn các quốc gia có nền kinh tế phát triển.
Các công ty internet mới đang tăng lên rất nhanh tại Việt Nam. Đây là cơ sở hạ tầng mềm cho kinh tế số Việt Nam đột phá vào tương lai.
Bà Kwakwa cũng cho rằng, mặc dù phải chống đại dịch, Việt Nam cần tập trung xây dựng các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Trong khi đó, hãng Bloomberg ngày 29/6/2021 nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng nhanh trong quý thứ hai do nhu cầu toàn cầu hồi sinh, bất chấp đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư (phủ nhận hoàn toàn một quy ước mà người dân Việt Nam thường tin: Sự bất quá tam).
Nhưng điều tồi tệ là dịch bệnh bùng phát lần này tấn công vào những trọng điểm kinh tế và cơ sở sản xuất lớn của đất nước: Bắc Giang, Bắc Ninh. Một số khu công nghiệp đóng cửa tạm thời, nơi có cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, Samsung và Apple với hàng chục nghìn lao động và chuyên gia giỏi.
Đặc biệt, TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước đang rơi vào vòng xoáy dịch bệnh lần thứ tư với quy mô lớn hơn nhiều so với ba đợt dịch trước đó.
Hồi phục nhưng chưa bền vững
Tuy vậy, GDP Việt Nam sáu tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng dương và vẫn cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.
Một trong các nguyên nhân là nhu cầu của thị trường thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu, đang dần phục hồi trở lại. Số liệu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 vẫn cho thấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nếu không có cầu ngoại thì cung sẽ trở nên khó khăn vì thị trường nội địa quá nhỏ, lại gặp dịch bệnh, nên càng hạn chế. Vấn đề chính là làm sao trong đợt bùng phát COVID-19 lần 4 này, chúng ta vẫn bảo vệ được các trọng điểm hay trung tâm sản xuất và nguồn nhân lực - tài sản vô giá của đất nước. Hiện nay các nguồn vaccine hạn chế, nhưng đã ưu tiên tiêm cho công nhân các khu công nghiệp lớn đang bị dịch là Bắc Giang và Bắc Ninh và chiến dịch tiêm vaccine thần tốc tại TPHCM mang lại hy vọng sẽ giảm thiểu được nguy cơ.
Một nguyên nhân nữa là sản lượng công nghiệp tăng và thời tiết thuận lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, vốn công tăng tốc giải ngân đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu, cảng… cũng giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP và giúp giữ công ăn việc làm cho một bộ phận lao động có tay nghề và phụ trợ.
Tuy vậy, không ít nhà nghiên cứu cho rằng các số liệu thống kê của Việt Nam còn quá mỏng để tin rằng nền kinh tế đất nước không phải “đối mặt với thiệt hại kinh tế nặng nề do phải tập trung quá nhiều nỗ lực và nguồn lực để kiểm soát virus” như ông Gareth Leather, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại Capital Economics, nhận định với báo Bloomberg ngày 29/6/2021.
Mục tiêu đầy thách thức
Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, nền kinh tế sẽ cần tăng trưởng ở mức 6,3% trong vòng sáu tháng tới để đạt mức tăng trưởng 6% cho cả năm.
Ông nói “mục tiêu 6% là một thách thức” nhưng Việt Nam có thể đáp ứng được, không cần điều chỉnh giảm mục tiêu bởi "Chính phủ đang đẩy mạnh các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm."
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ giữ ổn định lãi suất chính sách trong nửa cuối năm và theo đuổi các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, do vẫn cảnh giác về lạm phát gia tăng. Cơ quan quản lý tiền tệ đang tìm cách thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh bùng phát dịch. Nỗ lực điều hành linh hoạt có nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bà Phó Chủ tịch WB Kwakwa đánh giá cao.
Giá tiêu dùng đã tăng 2,41% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Chính phủ đặt mục tiêu giới hạn lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay.
Tái nghèo vì đại dịch
Mối lo của Chính phủ hiện nay về tình trạng tái nghèo là có cơ sở. Các con số thống kê cho thấy, một bộ phận đông đảo nhân dân thuộc thành phần “dễ vỡ” - lao động từ những ngành du lịch, khách sạn và ngay cả những ngành dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa tạm thời - và những người phụ thuộc. Dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 vừa qua với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập (2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập).
Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là gần 1,2 triệu người. Đại dịch COVID-19 đã làm tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Những con số lạnh lùng này chưa tính đến hàng triệu người buôn gánh, bán bưng, tiểu thương ở các thành phố lớn phải “hy sinh” miếng cơm manh áo hằng ngày để bảo vệ sức khỏe của mình, hưởng ứng chủ trương giãn cách, đóng cửa hàng quán, tạm nghỉ chờ…, với câu hỏi lớn đặt ra: Ngày mai như thế nào?
"Một kép, ba an"
Ngay từ khi có dịch, Chính phủ đã tuyên bố “chống dịch như chống giặc” có nghĩa như tuyên bố về một cuộc chiến tranh; bên cạnh đó vừa đánh giặc, vừa duy trì phát triển kinh tế. Cùng với việc thực hiện mục tiêu kép đó là chính sách “ba an”: An toàn cho mọi người dân trong dịch bệnh; An tâm, không hoang mang, trong khi vẫn giữ vững An ninh quốc gia. Đây là ba chữ “AN” mà cho đến nay chúng ta vẫn thực hiện thành công. Đặc biệt an tâm, không tạo quá nhiều hoang mang, lo lắng trong cộng đồng dân cư là mục tiêu khó khăn không kém.
Trong những điều không chắc chắn của dịch bệnh hiện nay, có một điều chắc chắn là dịch bệnh, không chóng thì chầy, sẽ qua đi, mục tiêu kép của chúng ta sẽ đạt được, ở mức tốt nhất có thể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo