Thị trường

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Sản xuất an toàn trong đại dịch'

Ngày 13/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch”.

Gói kích cầu nào cho nền kinh tế trước áp lực rủi ro lạm phát? / Quy định mới về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

Là địa phương ảnh hưởng nặng nhất trong đợt dịch thứ 4, TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới và hiện đang khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh rất nhanh chóng. Tuy nhiên, đi cùng với việc khôi phục nhanh hoạt động sản xuất thì công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể coi là quyết định để hoạt động sản xuất ổn định và bền vững.

Các đại biểu tham dự tọa đàm tại đầu cầu TPHCM Ảnh: VGP/Anh Đức

Các đại biểu tham dự tọa đàm tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh Ảnh: VGP/Anh Đức


Để hiểu rõ các doanh nghiệp đang chủ động tổ chức phòng, chống dịch như thế nào, đâu là những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh ổn định,bền vững,thích ứng an toàn với COVID-19, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sản xuất an toàn trong đại dịch”.

Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh; Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh; Tổng Giám đốc Galaxy One Sovico Group Nguyễn Hoàng Cẩm Linh.

Thời gian tổ chức vào 9h30 ngày 13/12 tại Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, số 14 Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tọa đàm sẽ được phát trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ, fanpage Thông tin Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (trái) tham gia Tọa đàm theo hình thức trực tuyến từ Nghệ An. Ảnh: VGP/Anh Đức

Để tiếp sức cho Thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và hạn chế thấp nhất rủi ro bởi dịch bệnh thì Chính phủvà Bộ có phương án nào dành riêng cho Thành phố HCM hay không, trong kế hoạch tổng thể phòng chống dịch đang được xây dựng?

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Về nội dung mà chúng ta vừa đưa ra, chúng ta phải khẳng định rằng trong thời gian vừa qua, công tác phòng chống dịch ở nước ta nói chung và ở TP Hồ Chí Minh nói riêng, ngoài sự đồng sức, đồng lòng của cả nhân dân Thành phố thì có sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH và các địa phương khác đã chung tay góp sức cùng nhânh dân Thành phố. Đến nay, cơ bản chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo nhận định của WHO và các nhà khoa học, tình hình dịch trên thế giới và ở nước ta diễn biến vẫn phức tạp. Chính vì thế, để thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa làm tốt công tác phòng chống dịch và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sản xuất an toàn và có an toàn mới sản xuất, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800 để đưa ra các phương pháp, biện pháp hết sức cụ thể trong điều kiện bình thường mới hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang dự thảo kế hoạch tổng thể đối với công tác phòng chống dịch dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đặc biệt là kinh nghiệm mà chúng ta rút ra qua 4 đợt dịch, nhất là đợt dịch thứ 4.

Ở Việt Nam, sau khi chúng ta đã kiểm soát tốt đợt dịch thứ 4, thì có thể khẳng định rằng năng lực ứng phó của chúng ta đang được nâng lên, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở. Đồng thời, với chiến lược vaccine thực hiện rất hiệu quả, đến nay việc triển khai tiêm vaccine cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên của Việt Nam mũi 1 đã đạt khoảng 98% và mũi 2 đạt trên 78%.

Cùng với đó, chúng ta đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi với tỉ lệ mũi 1 đạt trên 64% và mũi 2 đạt trên 15%. Trong đó, TP Hồ Chí Minh là 1 trong các địa phương đạt tỉ lệ tiêm vaccine bao phủ vaccine nhanh nhất và cao nhất. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh COVID-19, tuy nhiên đã có một số thuốc kháng virus có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt là qua 4 đợt dịch, ý thức của người dân đã nâng lên rất cao, từ đó để chúng ta có thể chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch hiện nay.

 

Ở phần đầu chúng ta đã nhắc đến tình hình dịch hiện nay diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng mới như Omicron. Theo báo cáo vừa qua của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến 2/12/2021, trên thế giới đã ghi nhận người nhiễm Omicron trên 30 quốc gia ở châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Đại dương.

Theo đó, kế hoạch chống dịch của chúng ta trong giai đoạn tới là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa kiểm soát được dịch bệnh.

Tới đây, chúng ta đưa ra các định hướng tổng thế là tạo định hướng cơ bản trong công tác phòng chống dịch để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Thứ hai là chúng ta đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH. Thứ ba là trong kế hoạch tổng thể, định hướng phân cấp, phân quyền một cách triệt để cho các tỉnh, thành phố để các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng, chống dịch cũng như chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ với năng lực và tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời cùng với kế hoạch tổng thể đó, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan luôn quan tâm đặc biệt đến các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp, tức là không chỉ quan tâm đến TP Hồ Chí Minh mà còn quan tâm đến các tỉnh, thành phố khác. Nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp thì Bộ Y tế, các bộ ngành Trung ương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đều kịp thời hỗ trợ, không để các tỉnh, thành phố nào, khu vực nào bị bỏ lại phía sau. Các tỉnh, thành phố có thể đề xuất, xin hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ y tế và các bộ, ngành khác cũng như các địa phương khác sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh.

Phải nói rằng với chiến lược phòng chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là với kế hoạch phòng chống dịch mà Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Chính phủ, chúng tôi cho rằng kế hoạch này vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội và nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đó là bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân và hạn chế thấp nhất ca tử vong, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển kinh tế và các hoạt động an sinh xã hội giúp cho người dân ổn định, các địa phương ngày càng phát triển.

Như vậy, việc tiêm đủ liều vaccine cho lực lượng sản xuất ở TP Hồ Chí Minhcó vai trò rất quan trọng. Nhưng để thích ứng an toàn với COVID thì dù tiêm đủ liều cũng không thể chủ quan. Thực tế 2 tháng qua cũng cho thấy, số lượng F0 được phát hiện trong các nhà máy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minhkhá cao. Bộ Y tế đã có chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay như thế nào?

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Theo đánh giá của các nhà khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới, các vaccine đều có tỉ lệ nhất định người đã tiêm vẫn mắc căn bệnh đó. Loại vaccine tốt nhất là loại chúng ta tiêm để ngăn ngừa sự lây nhiễm, chuyển nặng và tử vong. Vẫn xuất hiện tỉ lệ nhất định trường hợp F0 khi đã tiêm đủ vaccine, đặc biệt trong môi trường sản xuất cũng như trong cộng đồng. Không có vaccine nào ngăn ngừa 100%. Chính vì vậy người dân đã tiêm đủ vaccine vẫn có thể mắc bệnh nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn rất nhiều hoặc không có biểu hiện. Những chúng ta không được lơ là chủ quan.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt Nghị quyết 128 của Chính phủ. Các doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các cấp độ khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Ngày 8/11, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết 128, trong đó có nội dung hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động ở cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Bộ Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về phòng chống dịch, qua kiểm tra, báo cáo, 63 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết 128. Các kế hoạch đã bám sát tình hình thực tế của địa phương, đưa ra các biện pháp phù hợp thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như phòng chống dịch. Các địa phương đang phục hồi kinh tế và quyết liệt phòng chống dịch.

Sau kiểm tra và đã có đánh giá kết quả, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra giám sát ở 35 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy các địa phương đã chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng chống dịch, nâng cao hơn nữa nhận thức, khắc phục tồn tại, hạn chế để sản xuất và phòng chống dịch tốt.

Tuy nhiên, việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, doanh nghiệp là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong công tác phòng chống dịch, để phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch tốt. Vì vậy, theo tôi Ban Chỉ đạo chống dịch từ cấp huyện cần tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, thường xuyên tổ chức diễn tập trong các tình huống cụ thể khác nhau (xuất hiện F0, xuất hiện F1) để đánh giá được nguy cơ.

 

Thông qua kiểm tra giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, giúp cho công tác sản xuất được tốt hơn.

PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Anh Đức

Cá nhân ông cảm nhận thế nào về sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đối với TP Hồ Chí Minhtrong cuộc chiến chống COVID-19 vừa qua?

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minhtrước và sau khi bị ảnh hưởng cú sốc từ đại dịch COVID-19?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Chúng ta thấy rằng đại dịch COVID đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy một điểm nổi bật là sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đối với việc phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã cử những đoàn chỉ đạo trựctiếp công tác phòng, chống dịch tại Thành phố. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồnnhân lực, đặc biệt là đội ngũy, bác sĩ từ tuyếnTrung ương, đội ngũ quân y đến TP Hồ Chí Minh để giúp TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch.

 

Giải pháp quan trọng nhất mà chúng tôi đánh giá cao là dồn nguồn vaccine có được của cả nước cho TP Hồ Chí Minh. Chính nhờ điều đó mà TP Hồ Chí Minh là địa phương phủ vaccine mũi 1 sớm nhất và cho đến nay vaccine mũi 1 đã phủ 100%, vaccine mũi 2 đã phủ được gần 90% người từ 18 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, nguồn thuốc điều trị cũng được hỗ trợ, đặc biệt là các túi thuốc được ưu tiên cho trung tâm của điểm dịch tại TP Hồ Chí Minh. Điều đó thể hiện trong quá trình vừa qua, TP Hồ Chí Minh luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực, nhân lực, vật lực để chung sức với Thành phố.

Trong thời gian tới, với sự tiếp tục hỗ trợ của Trung ương, TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để xứng đáng là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm thương mại, dịch vụ KHCN, văn hóa giáo dục.

Nhắc đến những điểm nóng trong đại dịch COVID-19 vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, chúng ta vẫn còn những nỗi đau, trong đó có sự mất mát của những những người dân TP Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn đến sự vươn lên, sự tìm tòi, chịu khó, vượt qua thách thức của đội ngũ doanh nhân. Lúc đấy, doanh nhân Thành phố tuy bị ảnh hưởng rất nặng nề của COVID-19, doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng đội ngũ doanh nhân chung sức, hỗ trợ nguồn lực với Thành phố để kiểm soát dịch bệnh.

Cùng lúc đó, chúng ta thực hiện các giải pháp như “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp vẫn duy trì một số hoạt động sản xuất trong lúc có dịch, có thể hình dung là vừa duy trì sản xuất trong lúc có “chiến tranh”.

Sau khi Thành phố đã phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh thì chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến giờ phút này, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động

 

Trong các KCN, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp, cho thấy Thành phố đã bắt nhịp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh. Kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay chúng ta kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn. Ảnh: VGP/ Anh Đức

Hôm nay, chúng tôi cũng mời đến trường quay ông Trần Việt Anh, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ông có thể cho biết doanh nghiệp Nam Thái Sơn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung phải chống chọi thế nào khi cơn bão COVID ập đến?

Ông Trần Việt Anh: Đối với các DN TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là khối DN sản xuất là nhóm DN sử dụng nhiều lao động như DN Nam Thái Sơn có tuổi đời gần 30 năm tại TP Hồ Chí Minh, gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi là DN sản xuất và chúng tôi xây dựng các nhà máy và các kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có những rủi ro như rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Đó là điều không có tiền lệ và xảy ra hết sức đột ngột, không chỉ với Nam Thái Sơn mà còn tất cả DN đặc biệt là khối DN sản xuất.

Lúc đó chúng tôi “trở tay không kịp”, khi xây dựng nhà máy chúng tôi không xây dựng khu công nhân ở và trong 100 DN thì thường 30 DN mới có bộ phận y tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh lý đều ra y tế địa phương hoặc bảo hiểm. Do đó, việc đón nhận dịch này trong 100 ngày qua đối với DN là hết sức bất ngờ nếu không nói là khủng khiếp. Để hoạt động trở lại, bắt buộc chúng tôi phải ngồi lại, đặc biệt là những DN ở trong KCH &KCX. Chúng tôi phải quyết định hoạt động theo 3 tại chỗ.

Việc chuẩn bị 3 tại chỗ chúng tôi chỉ có 1 tuần. Việc này tạo áp lực lớn cho DN và tỉ lệ lao động ở lại thực hiện 3 tại chỗ chỉ 30-40%, vậy 70% lao động còn lại như thế nào? Lúc đó họ chưa có ý định về quê và bắt buộc phải ở lại nhà trọ. Họ ở lại khu vực nhà trọ trong phạm vi môi trường làm việc, nơi ở phải chia thành 2 ca: 1 phòng ở có 10 người, 5 người đi làm ban ngày, 5 người đi làm ban đêm, luôn luôn phục vụ 5 người. Nhưng bây giờ phòng ở 12m2 phải phục vụ 8 người. Có nghĩa là tạo áp lực rất lớn cho người đang 3 tại chỗ và người ở trọ. Chúng tôi vẫn phải xoay xở bằng nhiều hình thức; thực sự chúng tôi chưa bao giờ hình dung ra là vẫn sản xuất nhưng lại không được lưu thông. Chúng tôi vẫn sản xuất nhưng nhận vật tư vào để sản xuất rất khó. Chúng tôi sản xuất ra hàng nhưng lại không giao hàng được. Đó là những việc rất khó khăn nhưng cũng là trải nghiệm lớn.

 

Qua đợt dịch này các DN đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp. Điều này là bài học có giá phải trả nhưng cũng đúc kết được nhiều điều.

Với cơn bão này giúp sàng lọc cộng đồng DN, đặc biệt là DN sản xuất. DN nào vượt qua được là vượt qua được luôn. Đây là trải nghiệm mà trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước thì chỉ có DN TP Hồ Chí Minh thấm nhất. Đây là tín hiệu hy vọng rằng khi trở lại làm việc an toàn, sống chung với dịch thì DN TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là khối DN sản xuất với hàng trăm ngàn lao động trong KCN&KCX cùng hàng triệu lao động ngoài KCN&KCX, đã chuẩn bị tâm thế kỹ và vững vàng mặc dù đã có những mất mát và thiệt hại lớn.

Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group.Ảnh: VGP/Anh Đức

Một trong những khâu quan trọng của công tác phòng chống dịch giai đoạn tới đây sau khi đã tiêm phủ được vaccine là Thuốc + Công nghệ + Ý thức người dân… Thủ tướng có nhiều chỉ đạo về việc này trong đó yếu tố công nghệ luôn được nhắc đến. Là DN nổi bật trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, xin hỏi bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ trong giai đoạn phục hồi sản xuất hiện nay. Đợt dịch vừa qua, chi phí dành cho việc vừa sản xuất vừa chống dịch là một khoản chi phí không nhỏ và công nghệ đã hỗ trợ DN như thế nào?

Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh, Tổng Giám đốc Galaxy One, Sovico Group: Có thể nói, ngoài việc tiêm vaccine và ý thức của người dân thì công nghệ đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong đợt chống dịch lần này. Công nghệ đã hỗ trợ các DN trong việc tự động hóa cũng như vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn.

Có thể nói, một trong những thành tựu ứng dụng công nghệ của của Tập đoànSovicotrong ứng phó đại dịch là sáng kiến xây dựngnền tảngứng dụng "Việt NamKhỏemạnh" hỗ trợ toàn diện cho việc chống dịch, chẳng hạn như hệ thống xét nghiệm, những số liệu tổng hợp, phân tích để các nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng khi xuất hiện F0 tại cơ sở, hỗ trợ cách ly F0 ra khỏi khu sản xuất sao cho an toàn...

 

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết ,mỗi chúng ta đều có thể đại diện cho 1 cung đường, một khu vực ... Như vậy thay vì việc tốn kém chi phí xét nghiệm để cách ly F0 ra khỏi cộng đồng thì công nghệ đã hỗ trợ để mỗi tháng bình quân mỗi công nhân chỉ mất khoảng 80.000 đồng/người/tháng cho việc xét nghiệm và các nhà quản trị cũng nhanh chóng tách được F0 ra khỏi nhóm sản xuất an toàn. Đó là những giá trị cao nhất mà công nghệ mang lại cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, để vừa sản xuất, vừa chống dịch an toàn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh. Ảnh: VGP/Anh Đức

Thưa bà Lương Mai Anh, bà đánh giá thế nào về việc triển khai phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh trong sản xuất của các DN tại TP Hồ Chí Minh?

Các trạm y tế lưu động phát huy hiệu quả trong tư vấn, hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 như thế nào, thưa bà? Các doanh nghiệp có cần thiết lập thêm các trạm y tế tại cơ sở?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh: Trong thời gian vừa qua, cùng với Bộ Y tế, các bộ ngành cũng như các địa phương đã hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh trong việc phòng chống dịch. Chúng tôi đánh giá rất cao công tác phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, đánh giá cao chính quyền Thành phố cũng như các ban ngành và bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã rất năng động, chủ động trong công tác này.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các DN trong TP Hồ Chí Minh đã có những định hướng cũng như UBND Thành phố có ngay các hướng dẫn kịp thời từ đầu tháng 11 về các phương án phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như DN. Đây là cơ sở để DN có thể chủ động hơn trong phòng chống dịch trong thời gian tới.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua, có đến 1.000 DN đã được thẩm tra, thẩm định các phương án sản xuất an toàn và đồng thời thực hiện các quy định tại nơi làm việc. Và đồng thời báo cáo cũng cho thấy, mặc dù có những trường hợp mắc nhiễm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong khu công nghiệp nhưng các trường hợp này, tỉ lệ trường hợp tiếp xúc gần sau đó ghi nhận trở thành người nhiễm đều không cao, chỉ 10%. Điều đó cũng cho thấy các biện pháp phòng chống dịch trong DN đã được đảm bảo để môi trường sản xuất an toàn trong thời gian vừa qua.

Qua khảo sát củaViện, ông nhìn nhận thế nào về khả năng thích ứng an toàn của các doanh nghiệp thành phố hiện nay? Có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI không?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Đây là đợt bùng phát chưa từng có trong tiền lệ, để thích ứng cần phải có thời gian. Bước đầu các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn có nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp đã tìm được lối đi của mình.

Sau khi lực lượng lao động được phủ vaccine thì doanh nghiệp đã tự tin hơn rất nhiều trong phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp ngoài nước đều như nhau trong quá trình thích ứng, an toàn, linh hoạt tại TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh luôn có những tín hiệu chia sẻ, đã thường xuyên gặp gỡ với doanh nghiệp, tìm ra phương thức sản xuất an toàn nhất và chống dịch.

 

Từ cuối tháng 9, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm trước 2 tuần ở tại các đơn vị sản xuất kinh doanh tại Quận 7, tại huyện Củ Chi, doanh nghiệp phục hồi rất nhanh chóng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả dịch vụ ăn uống của người dân cũng được phục hồi trở lại. Các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã có sự thích ứng nhanh.

Điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ chung sức của lãnh đạo Trung ương và Bộ Y tế, chúng ta có định hướng chiến lược để giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, không còn lo lắng trong những trường hợp khi dịch có thể trở lại, hay là chúng ta đã xác định rằng phải sống thích ứng, an toàn với dịch là hướng đi phù hợp với thực tế.

Với vai tròPhó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, xin ông Trần Việt Anh cho biết các doanh nghiệp của thành phố đang duy trì sản xuất thích ứng an toàn với COVID như thế nào?

Ông Trần Việt Anh: Sau 100 ngày giãn cách xã hội và sống trong tình trạng có doanh nghiệp hoạt động, có doanh nghiệp hoạt động 3 tại chỗ, có doanh nghiệp ngừng hoạt động, từ tháng 10 đến hết tháng 11, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã thích ứng với nhiều tình trạng khác nhau nhưng đều có 1 thích ứng chung, đó là doanh nghiệp đã bắt đầu hiểu rõ hơn về quy trình sức khỏe.

Trước đó, doanh nghiệp thường xây dựng các quy trình trong hoạt động kinh doanh của mình như quy trình phòng cháy chữa cháy, môi trường… thì nay doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến quy trình về sức khỏe.

 

Các doanh nghiệp có lực lượng nhân sự tham gia vào quy trình này, đó là nhân viên điều dưỡng, nhân viên y tế. Những doanh nghiệp đã có nhân viên y tế rồi thì cho họ tập trung rất nhiều vào phòng dịch. Khoảng 70% các doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ như một nhân viên y tế cấp địa phương, có thể theo dõi, nhận ra được triệu chứng của những F0 sức khỏe như nào và nên cần đi xét nghiệm.

Thứ 2, sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh được xây dựng trên hoạt động cố định hàng mấy chục năm nay, bây giờ phải thay đổi. Đầu tiên là hoạt động của văn phòng, các hoạt động của văn phòng mang tính trực tuyến nhiều hơn, các cuộc họp sẽ hạn chế họp trong phòng, họp nhanh, họp ít người. Trong nhà xưởng, điều quan trọng nhất và là xu thế bây giờ là vấn đề thông gió, phải đặt lên hàng đầu.

Thứ 3, về tuyển dụng lao động. Trước đây, tuyển dụng về năng suất, kỹ năng, nhưng bây giờ thêm ý thức. Hiện nay, ý thức của người lao động cực kỳ quan trọng nhất là khi làm việc theo nhóm. Người lao động có kỹ năng, năng suất cao nhưng nếu bữa bãi trong hoạt động tham gia, trong sinh hoạt thì cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.

Điều cuối cùng có tác động rất lớn đến sự thay đổi của doanh nghiệp, đó là quan tâm đến lực lượng lao động dưới 30 tuổi, dưới 40 tuổi và đặc biệt là lực lượng lao động trên 50 tuổi và các chuyên gia, quản lý cao cấp. Lực lượng trẻ, có sức khỏe thì ưu tiên hàng đầu, được hoạt động theo dây chuyền sản xuất mà khoảng cách không cho phép. Ngoài ra, dẫn đến thay đổi đây chuyền đầu tư mới của nhà máy, doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao hơn, để bố trí các công nhân đứng cách nhau khoảng 2m, đây là điều không có tiền lệ trong sản xuất.

Về việc hạn chế tiếp xúc ở nơi làm việc, công tác tư tưởng, làm nội quy rất quan trọng. Các công nhân thích giao lưu, làm việc nhóm, sinh hoạt văn hóa thể thao. Do đó việc hạn chế tiếp xúc cũng là một mô hình hoạt động mới .

 

Trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm trả lương cao cho người lao động, chế độ ăn uống, môi trường làm việc nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đến chỗ ở. Hiện nay, doanh nghiệp rất quan tâm đến khu trọ, sẽ có bộ phận chuyên trách để kiểm tra xem phòng trọ có đủ tiêu chuẩn chưa. Khu trọ là nơi phát sinh F0 nhiều nhất. Trong thời gian qua, những người lao động trong nhà máy thì không bị nhiễm, những người về nhà lại bị nhiễm. Ngoài việc sản xuất kinh doanh ra thì doanh nghiệp phải nghĩ về phòng dịch, hiện nay chiếm 30% các cuộc họp về phòng chống dịch.

Thưa ông Trần Hoàng Ngân, các doanh nghiệp vẫn có tâm lý rất lo lắng khi phát sinh F0 trong nhà máy vìđiều này có thểảnh hưởng đến hoạt động, năng suất của doanh nghiệp. Theo ông, với những hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố, doanh nghiệp cần xử trí như thế nào khi có ca nhiễm COVID?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung luôn đương đầu với thách thức và tìm ra giải pháp vượt qua. Sống thích ứng với COVID-19, F0 ở thời điểm hiện nay khác với F0 trước khi chúng ta đã được tiêm vaccine, có phác đồ điều trị, có thuốc điều trị.

Bây giờ các doạnh nghiệp phải củng cố lại y tế cơ quan. Trước đây, có 1 số doanh nghiệpkhông chăm chút y tế cơ quan, bây giờ quan tâm đến y tế cơ quan không chỉ trong COVID-19 mà còn nhiều hoạt động khác. Nhân việc này, chúng ta củng cố, đầu tư nhiều hơn nguồn lực cho y tế cơ quan. Đó là điều rất cần thiết để nâng cao, bảo vệ sức khỏe cho đội ngũ người lao dộng

Khi phát hiện ra ca F0, các doanh nghiệp hiện nay không còn lúng túng lắm. Tuy nhiên, ở khu công nghiệp, phải có trạm y tế để tạm thời cách ly ca F0 đó ra khỏi vùng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xe để đưa F0 về khu cách ly bên ngoài hoặc cách ly tại nhà, hạn chế F0 tự đi về nhà, tư di chuyển trên đường phố. Đây là điều chúng tôi lo lắng nhưng thời điểm vừa qua, các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã làm tốt việc hỗ trợ cho các ca F0.

 

Xin hỏi bà Cẩm Linh, chúng ta đã có nghiên cứu ứng dụng công nghệ nào để áp dụng trong giai đoạn phục hồi sản xuất hiện nay?

Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh: Hiện giờ tất cả doanh nghiệp không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn trên cả nước đều phải tái sản xuất mà quan trọng nhất là quy trình y tế và nhân viên y tế.

Khi 1 công nhân có xét nghiệm dương tính thì nhân viên y tế ở khu vực đó phải nhận được thông tin, tổng hợp thông tin và báo lên quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, thông tin được kết nối với thành phố để thành phố, nhà quản trị đưa ra những phương án chung.

Có thể nói, trong giai đoạn phục hồi sản xuất thì yêu cầu đặt ra là các chi phí phải được giảm thiểu nhất, tiết kiệm nhất, và để đạt hiệu quả thì công nghệ sẽ đáp ứng yêu cầu đó khi hỗ trợ kết nối, đưa ra báo cáo phân tích thông minh hỗ trợ cho nhà quản trị đưa ra quyết định nhanh nhất, chính xác nhất.

Thực tế có tình trạng doanh nghiệp còn giấu thông tin các ca nhiễm do lo ngại bị gián đoạn sản xuất, vậy làm sao để khắc phục được tình trạng này đồng thời giúp doanh nghệp chủđộng, có trách nhiệm đối với công tác phòng chống dịch, nhất là trong giám sát người lao động tuân thủ 5K? Xin Phó Cục trưởng Lương Mai Anh chia sẻ thêm về vấn đề này?

 

Bà Lương Mai Anh: Thực trạng như anh vừa nêu thì cũng đã xảy ra vàđây cũng là vấn đề phải giải quyết từ phía cả doanh nghiệp và từ phía chính quyền.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ thì doanh nghiệp được hoạt động trong tất cả các cấp độ dịch nhưng mà phải đảm bảo thực hiện các kế hoạch cũng như các phương án phòng chống dịch.

Để hoạt động trong tình hình hiện này thì rõ ràng các doanh nghiệp phải chủ động trong các phương án phòng chống dịch của mình. Trong phương án phòng chống dịch thì doanh nghiệp phải có sự phối hợp rất chặt chẽ với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.

Vấn đề thứ 2 là phải tổ chức diễn tập và tuyên truyền cho người lao động về các biện pháp phòng chống dịch tại doanh nghiệp, tiếp đó cần đưa những quy định này thành nội quy, quy định quy trình của doanh nghiệp để người lao động phải tuân thủ; bên cạnh đó, phải có cơ chế thẩm tra, giám sát, xử phạt đối với người lao động nếu họ không tuân thủ những quy định tại nơi sản xuất về phòng, chống dịch. Đây là những điều doanh nghiệp cần lưu ý.

Một vấn đề nữa là vai trò và năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp cần được tăng cường; khi doanh nghiệp chủ động trong công tác này và có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm và tránh việc giấu bệnh và gây lây lan cho doanh nghiệp và cho cộng đồng.

 

Đối với chính quyền địa phương, cần phải có những tổ tư vấn để tư vấn cho các doanh nghiệp trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời địa phương cũng cần phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực tế ở doanh nghiệp và phải có chế tài xử phạt những cơ sở thực hiện không nghiêm những quy định này và làm lây lan dịch bệnh cho doanh nghiệp và lây lan cho cộng đồng, ảnh hưởng thiệt hại tới cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những điều kiện để thích ứng an toàn với COVID là hệ thống y tế cơ sở chăm sóc F0. Được biết một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bànvừa thiết lập khu thu dung (bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 1) và đang tiếp nhận F0 thể nhẹ. Cho đến nay các khu này phát huy hiệu quả ra sao?

Ông Trần Việt Anh: Trong tháng 7-8-9, đã có ý kiến về việc nên có bệnh viện dã chiến ở các khu công nghiệp khi có khu công nghiệp có tới hàng trăm, chục nghìn nghìn lao động. Chủ trương đã được thông qua, việc này rất quan trọng.

Người lao động ở các khu công nghiệp khi bị F0 thì tâm lý của F0 rất sợ hãi, hoang mang nếu phải tới các bệnh viện dã chiến ở xa nơi làm việc và nơi ở của họ. Khi chúng ta có bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, họ cảm giác như đó là phòng khám y tế của nhà thì sẽ khiến họ rất yên tâm.

Một điều kiến nghị nữa là số lượng người lao động ở khu nhà trọ tương đương với số lao động ở khu công nghiệp. Do đó y tế của địa phương ngoài y tế lưu động cho dân thì khu nhà trọ 500-2.000 người lao động tập trung cũng cần được đảm bảo về y tế. Nếu có y tế lưu động ở ngay trong khu công nghiệp thì sẽ khiến họ yên tâm, bớt hoang mang.

 

Về vấn đề ý thức, người lao động ý thức hoạt động trên cơ sở quy trình để mô tả công việc, ra sản phẩm tốt, còn ý thức về phòng dịch ngoài việc bắt buộc phải thực hiện thì họ cũng mong muốn được đảm bảo an toàn ngay tại chỗ, chứ không phải đi chữa bệnh ở xa.

Chúng ta cũng nên dùng một từ khác để thay cụm từ “khu cách ly” và “bệnh viện dã chiến” sao cho nhẹ nhàng hơn, để người lao động cảm thấy họ đi khám sức khoẻ, hoặc điều trị tăng cường, chứ những cụm từ kia sẽ tác động tiêu cực rất nhiều đến người lao động. Chúng ta phải có những biện pháp gần gũi để ổn định tâm lý cho họ.

Thưa bà Cẩm Linh, ở phần trên bàđãđề cập đến giải pháp về công nghệ, xin bà cho biết thêm việc doanh nghiệp của bà kết nối được dữ liệu của ngành y tế như thế nào? Ứng dụng này có thể đồng bộ với tất cả các doanh nghiệp được không?

Bà Nguyễn Hoàng Cẩm Linh: Cùng chung tay với Chính phủ, trong tháng 5 vừa rồi, SOVICO cũng nhận được sự chỉđạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nền tảng "Việt Nam Khỏe mạnh".

Nền tảng này có những ưu điểm như hỗ trợ việc quản lý xét nghiệm bảo đảm phòng chống dịch cũng như đưa ra báo cáo phân tích để hỗ trợ doanh nghiệp. Quan trọng nhất là khi chúng ta có kết quả xét nghiệm, báo cáo phân tích thì làm sao hỗ trợ việc quản lý F0 như thế nào trong cộng đồng.

 

Ví dụ, tất cả hành khách từ khi bắt đầu lên chuyến bay của Vietjet từ khắp nơi đều thực hiện việc xét nghiệm trên nền tảng của "Việt Nam Khỏe mạnh" và khi họ có kết quả trên nền tảng của Việt Nam khỏe mạnh thì người hành khách đó sẽ có tích xanh, sẽ lên những chuyến bay xanh và điểm đến sẽ xanh. Những thông tin trên nền tảng "Việt Nam Khỏe mạnh" đều được cập nhập, liên thông với PC-COVID để tạo thuận lợi nhất cho hành khách. Đó là một trong những đóng góp của công nghệ.

Thưa ông Trần Việt Anh, làđại diện cho doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông thấy những thông tin trao đổi từ phía Bộ Y tế và lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh từ đầu chương trình có thể tháo gỡ được những băn khoăn của doanh nghiệp chưa? Ông còn kiến nghị gì cho ngành y tế và chính quyền thành phố để thực sự có một môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả?

Ông Trần Việt Anh: Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Lương Mai Anh đã đưa ra những chương trình hỗ trợ đầy đủ, đồng thời cũng đưa ra những quy định, văn bản hướng dẫn về thuốc đầy đủ. Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất và đã trải nghiệm qua những tháng giãn cách, đã có trả giá và cũng đã nhìn thấy những khó khăn trong quá trình sản xuất khi đợt dịch chưa được tiêm vaccine đầy đủ chúng tôi có những ý kiến sau:

Trước tiên, chính quyền địa phương cũng như Bộ Y tế cần có kế hoạch và quyết tâm di dời những nhà máy các đơn vị sản xuất sử dụng nhiều lao động đan xen lẫn vào khu dân cư. Chúng ta bắt buộc có quy trình mới để xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp phải có những quy trình mang tính chất phòng dịch, có nghĩa là phải thông thoáng.

Ví như, trước đây xây dựng nhà máy chỉ cần 5.000m2 thì bây giờ phải cần 7.000m2. Trong đó có phòng y tế phải quy định có bao nhiêu giường, quy định về không gian, khoảng cách an toàn vì các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xen lẫn khu dân cư vừa qua là những nơi phát sinh nhiều ổ dịch. Do đó phải có kế hoạch và quyết tâm.

 

Đặc biệt hiện nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những khu công nghiệp xây dựng hơn 20 năm đã xen lẫn vào khu dân cư, bây giờ không biết đâu là nhà máy đâu là khu dân cư, dẫn tới phát sinh những khu nhà trọ. Để di dời nhà máy, khu công nghiệp trong khu dân cư cần thay đổi cần chính sách của Nhà nước và gắn với các quy định đảm bảo an toàn dịch tễ của Bộ Y tế. Ví dụ, phải có quy định khu dân cư 5.000 dân, 10.000 dân sẽ cách xa nhà máy là bao nhiêu. Một số nước đã áp dụng vấn đề này.

Thứ 2, có thể trong luật chúng ta chưa có, có thể chúng ta có trong luật lao động có tiêu chuẩn về độc hại, nhưng bây giờ phải bổ sung những quy định ở nơi đang là vùng đỏ, vùng cam cũng được hưởng chế độ là ở nơi độc hại.

Thứ 3 là cần quan tâm đến đội ngũ bác sĩ tâm lý. Hiện tại người lao động chưa hiểu bác sĩ tâm lý là gì, tuy nhiên có nhiều người trầm cảm, hoảng loạn do dịch bệnh. Do đó bác sĩ tâm lý rất quan trọng.

Thứ 4 là việc công bố thuốc điều trị, cần ban hành quy định ngay trong doanh nghiệp, phải có tuyên truyền quy định cụ thể thuốc dùng như thế nào để lãnh đạo doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Những quy trình đó chưa được hợp pháp hóa trong doanh nghiệp. Đã là quy trình thì phải tuân thủ, có thưởng phạt.

Đối với chính quyền, phải đánh giá doanh nghiệp qua phòng dịch, đưa ra tiêu chuẩn khen thưởng, hay phạt khi doanh nghiệp có bao nhiêu F0 trong một tháng chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh đóng thuế tốt nhưng nhiều F0 thì cũng không được khen thưởng.

 

Cuối cùng là chúng ta quy định người lao động làm việc online ở nhà thì cũng cần phải có những tiêu chuẩn cho lao động online ở nhà. Khi họ gặp vấn đề trong làm việc online ở nhà thì có được hưởng những chế độ như tai nạn lao động hay không. Đó là những điều nhiều lao động quan tâm.

Thưa ông Trần Hoàng Ngân, trên thế giới, dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam cũng không ngoại lệ, ông cóđề xuất giải pháp gì về cơ chế giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng an toàn, vượt qua đại dịch và hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Phải thừa nhận rằng dịch bệnh chưa biến mất mà còn thêm những biến thể mới, trong những ngày qua thế giới đang phải đối diện với biến chủng mới Omicron, chúng ta chưa có đủ thời gian để đánh giá sự nguy hiêm của chủng mới này. Điều ta ước ao là biến chủng Omicron sẽ không quá nặng nề và mong rằng sẽ đến ngày chúng ta không còn dịch bệnh nữa, kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh thì khi đó kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Để ước mơ này thành hiện thực thì chúng ta phải chống dịch tốt.

Chúng tôi cũng mong là Chính phủ, Bộ Y tế sớm cho phép doanh nghiệp được sản xuất thuốc chống COVID, tôi được biết là nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn được cung cấp thuốc chống COVID-19, cũng như sản xuất được vaccine phòng COVID-19 nội địa. Khi có thuốc và vaccine trong nước chúng ta sẽ tự tin trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Về y tế cơ sở, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt rất đông dân, mật độ dân số rất cao trên 4.500 người/km2. Vừa qua Sở Y tế đã trình thành phố phương án chống dịch sắp tới trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là điều y tế cơ sở rất cần sự chia sẻ từ trung ương về việc bổ sung nhân lực. Về nhân lực y tế cơ sở hiện nay, có phường xã 10.000 dân có 10 cán bộ y tế, nhưng cũng có phường xã có tới 150.000 dân cũng chỉ có 10 cán bộ y tế, như vậy sẽ không đảm bảo. Rất cần chính sách thu hút nhân lực về đơn vị y tế cơ sở hiện nay.

 

Bên cạnh đó, tôi cho rằng doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Được biết hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ các nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic

Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc COVID-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Trước nguy cơ từ biến chủng Omicron, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những gìđể chủđộng có các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả đồng thời duy trì sản xuất liên tục?

Bà Lương Mai Anh: Ở đây như các anh các chị đã đề cập là rõ ràng là chúng ta vừa vượt qua đợt dịch này, nhưng chúng ta cũng đang đứng trước nguy đối mặt với đợt dịch mới với những biến thể mới, ví dụ như Omcron. Như vậy doanh nghiệp sẽ phải xem xét để tái cơ cấu tái cấu trúc để có biện pháp đối với với đại dịch với các dịch bệnh trong thời gian tới.

 

Trước hết, chúng ta không nên lo lắng vì Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp để ứng phó với dịch bệnh. Chúng ta có thể theo dõi các thông tin trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế về biến chủng mới và các biện pháp ứng phó của Chính phủ được cập nhật trên đó. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế cập nhật thông tin tình hình dịch của tất cả các tỉnh, thành phố và đến tận cấp xã, phường và đây cũng là thông tin để doanh nghiệp có thể chủ động biết được tình hình dịch trên địa bàn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai nữa là về việc chúng ta vẫn phải chủ động trong công tác phòng chống dịch tại cở sở sản xuất, việc này đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác tự kiểm tra, tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở tại nơi làm việc; tổ chức xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc.

Vấn đề thứ 3 nữa là phải chủ động trong việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị thiết yếu trong công tác phòng chống dịch để tránh bị động và cần áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch trong các hoạt đông của công ty để ứng phó trong thời gian tới.

Vấn đề thứ tư làý thức phòng chống dịch của người lao động, không được chủ quan lơ là, chủ quan; phải thường xuyên tuyên truyền cho người lao động nâng caonhận thức trong phòng chống dịch và điểm cuối cùng là nâng cao năng lực của hệ thống y tế.

Bộ Y tế rất quan tâm đến việc này và cũng đã đề xuất để làm sao chúng ta tăng cường hơn nữa năng lực của cán bộ y tế tại doanh nghiệp, tức là bản thân doanh nghiệp cũng có trách nhiệm nâng cao năng lực y tế trong doanh nghiệp, trong việc kết nối với y tế địa phương.

 

Vấn đề nữa là tổ chức trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí đánh giá năng lực đáp ứng của y tế các tỉnh khi đánh giá các cấp độ dịch. Hiện nay nhiều địa phương cũng đang triển khai rất hiệu quả và thực tế nó giúp cho các chủ doanh nghiệp yên tâm hơn khi có trạm y tế tại khu công nghiệp và giảm áp lực cho y tế địa phương. Tôi thấy cần phải được nhân rộng mô hình trong thời gian tới để chúng ta có thể chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm