Thị trường

Gói kích cầu nào cho nền kinh tế trước áp lực rủi ro lạm phát?

Lạm phát năm nay có thể được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn còn áp lực rất lớn.

Giá vé máy bay Tết giảm mạnh / Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh cần khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, Chính phủ liên tục linh hoạt thực hiện kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nhằm thực hiện chính sách mở rộng tiền tệ, kích thích nền kinh tế, qua đó đẩy lượng cung tiền lớn vào nền kinh tế. Liệu điều này có đủ tạo nên lực đẩy cho "cỗ xe" kinh tế Việt Nam hay không?

Đáng lo ngại là vận tốc của tiền chậm, nghĩa là giao dịch hàng hóa chậm, vòng quay của tiền diễn ra chậm hơn. Lạm phát dự báo năm nay chỉ 2% là một trong những chỉ báo như vậy. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay là xem xét, tính toán các gói cứu trợ, phục hồi và tăng tốc nền kinh tế trong thời gian nhanh nhất.

Lạm phát được kiểm soát làm nền tảng cho phục hồi sản xuất

Thống kê lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là nền tảng ổn định cho việc phục hồi của nền kinh tế. Việc giữ được mức độ ổn định này giúp có nhiều dư địa hơn để thực hiện các chính sách điều hành kinh tế.

Gói kích cầu nào cho nền kinh tế trước áp lực rủi ro lạm phát? - Ảnh 1.

Lạm phát được kiểm soát sẽ làm nền tảng cho phục hồi sản xuất. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

6 tháng qua, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu cho vận chuyển của Tổng công ty may 10 tăng khiến giá thành sản xuất cao, gây nhiều áp lực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc lo bữa ăn miễn phí cho 12.000 công nhân tại 7 tỉnh cũng tốn một khoản chi phí khá lớn của công ty.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ có các giải pháp kiểm soát lạm phát và giá nguyên liệu đầu vào. Qua đó sẽ tạo ra sự phát triển bền vững để tăng xuất khẩu và tăng thêm nguồn cung ra thị trường để giảm bớt tăng giá cả của hàng hóa".

Trong những tháng qua, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn bởi COVID-19 như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giảm giá một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu như điện, dịch vụ chứng khoán, sách giáo khoa…

Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát nguồn cung tiền hợp lý vừa hỗ trợ được sản xuất kinh doanh nhưng cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm thường giá cả tăng cao nên rất cũng cần có nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để kiểm soát tăng giá.

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho hay: "Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ giảm phí trong phạm vi có thể cho doanh nghiệp như chi phí về điện, vận chuyển, tăng cường giám sát các hành vi trục lợi. Thời điểm này thực hiện các gói kích cầu hiệu quả và bảo đảm dòng tiền đi vào sản xuất không đi vào những lĩnh vực phi sản xuất".

 

"Nếu lạm phát được kiểm soát tốt vốn sẽ chảy vào sản xuất kinh doanh mà ít chảy vào những thị trường đầu cơ giúp cho tăng trưởng cao hơn. Ngoài ra, khi lạm phát ổn định thị trường tài chính cũng phát triển lành mạnh ít gây đổ vỡ và nợ xấu", Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho hay.

Thế giới đối mặt với lạm phát toàn cầu tăng mạnh

Việc tung ra các chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trị giá hàng tỷ USD khiến nhiều người lo ngại về rủi ro lạm phát mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong 1 - 2 năm tới nhất là khi giá cả thị trường thế giới đang có xu thế tăng. Lạm phát toàn cầu còn ở mức cao khoảng 3,3%.

Nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, các công ty đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau đại dịch. Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao cũng được ghi nhận ở nhiều nước. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở nên hữu hình hơn trong quá trình phục hồi.

Những số liệu lạm phát được công bố gần đây của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang cho thấy áp lực tăng giá cả trên phạm vi toàn cầu ngày càng lớn. Các nhà quan sát và hoạch định chính sách đều có chung nhận định, lạm phát đang đang có xu hướng ngày càng tăng mạnh trên khắp thế giới.

 

Trước tình trạng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 từ 6% xuống 5,9% và sang năm 2022 sẽ là 4,9%. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, lạm phát tăng sẽ tạo ra các rủi ro đối với các nền kinh tế trên thế giới.

"Vấn đề đầu tiên là nợ tăng cao. Khi các quốc gia chống chọi với đại dịch, họ đã nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng chi tiêu tài khoá… Kết quả là nợ trong khu vực doanh nghiệp, nợ giữa các chính phủ và nợ trong lĩnh vực hộ gia đình ở một số quốc gia đã tăng lên rất nhiều.

Vấn đề thứ hai là định giá kéo dài. Chính sách nới lỏng tiền tệ có nghĩa là tạo điều kiện tài chính dễ dàng hơn, lãi suất thấp và giá tài sản rủi ro tăng cao. Chúng tôi phát hiện việc định giá kéo dài xảy ra tại 1mộtsố mảng và những mảng đó có thể điều chỉnh trở lại.

Vấn đề thứ ba là dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang được hưởng lợi rất nhiều từ các điều kiện tài chính dễ dàng. Họ có thể tiếp cận thị trường vốn trong suốt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, có nguy cơ dòng vốn sẽ đảo chiều mạnh tại các quốc gia đó", ông Tobias Adrian - Cố vấn tài chính kiêm Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay.

Gói kích cầu nào cho nền kinh tế trước áp lực rủi ro lạm phát? - Ảnh 2.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, lạm phát hoàn toàn có thể kéo dài hơn dự kiến. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

 

Bên cạnh đó, số ca nhiễm COVID-19 mới toàn cầu tăng thời gian gần đây và việc biến chủng mới xuất hiện đặt ra rủi ro suy giảm tăng trưởng kéo dài đối với cả thị trường việc làm và các hoạt động kinh tế, đồng thời làm gia tăng bấp bênh về lạm phát.

"Rất khó để dự báo về sự kéo dài của lạm phát cao và tác động của tình trạng hạn chế nguồn cung, nhưng có vẻ như các yếu tố này sẽ đẩy lạm phát tăng cho tới sang năm 2022", ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói.

Cùng chung nhận định, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo lạm phát hoàn toàn có thể kéo dài hơn dự kiến, không đơn thuần chỉ là một hiện tượng tạm thời; đồng thời hối thúc các ngân hàng trung ương cần có những hướng dẫn rõ ràng về lập trường chính sách tiền tệ tương lai để tránh việc thắt chặt các điều kiện tài chính một cách không chính đáng, đồng thời giảm thiểu rủi ro biến động thị trường.

Có thể thấy rủi ro nhập khẩu lạm phát do giá cả nguyên vật liệu thế giới tăng cao. Vậy liệu Việt Nam có đủ thời gian tranh thủ đưa ra các gói kích cầu? Nếu áp lực chi phí đẩy cộng hưởng với áp lực lạm phát cầu kéo theo đà phục hồi có thể khiến bài toán lạm phát trở nên phức tạp hơn trong 1-2 năm. Vậy sẽ phải điều tiết ra sao trong các gói kích cầu? Giải pháp trọng yếu nào đảm bảo vừa kích thích kinh tế vừa kiểm soát được lạm phát?

Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia trực tiếp của TS Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính và ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã có những phân tích, bình luận chi tiết.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm