TP.HCM: Căn hộ giảm số lượng mở bán, thị trường BĐS gặp khó?
“Nóng” chuyện tranh chấp quản lý chung cư / Áp lực cạnh tranh phân khúc nhà bình dân
Ồ ạt giảm số lượng căn hộ bán ra
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cho rằng nhà đầu tư phải chờ một thời gian cho đến khi Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) triển khai quỹ đất để tạo ra lợi nhuận. Cụ thể, việc mở bán khu dân cư Đại Phước (98ha) chuyển sang năm 2019 - 2020 thay vì năm nay, nhằm tận dụng điều kiện thị trường tốt hơn. Dự án Nam Vĩnh Yên giai đoạn 2 dự kiến sẽ được triển khai năm 2020 do thay đổi trong quy hoạch. Long Tân là một dự án trọng điểm khác, dự kiến được đền bù ít nhất 200ha trong năm nay, tạo đà cho DIG từ năm 2020 trở đi.
Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), do các quy định mới nghiêm ngặt hơn liên quan đến thủ tục hồ sơ của dự án BĐS nên Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cần thêm thời gian hoàn thiện phần móng trước khi mở bán. Theo đó, công ty dự kiến mở bán 1.600 căn hộ tại quận 9 trong năm nay thay vì mức 3.100 căn hộ như kế hoạch.
Cùng nguyên nhân về thủ tục pháp lý mở bán kéo dài hơn dự kiến, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cũng sẽ chỉ mở bán khoảng 600 căn hộ Akari City trong quý IV/2018 thay vì 1.000 sản phẩm như kế hoạch ban đầu. Đồng thời, không có đợt mở bán mới nào cho dự án Mizuki Park trong 6 tháng cuối năm nay.
Theo HSC, một số công ty BĐS khác cũng sẽ giảm bớt kế hoạch mở bán trong năm nay do các quy định mới nghiêm ngặt hơn, đòi hỏi thời gian hoàn thành toàn bộ hồ sơ thủ tục dự án. Tuy nhiên, nhu cầu kém đi do lãi suất tăng cũng là một cách lý giải khác. Được biết, nhiều ngân hàng đã tăng mức lãi suất cho vay vào BĐS lên 12%/năm đối với vay trung hạn, còn vay dài hạn là từ 12,5%/năm, tức tăng 1 - 2%/năm so với hồi đầu năm. Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ đạo siết chặt dòng vốn tín dụng BĐS.
Thị trường BĐS khó xảy ra “bong bóng” tới năm 2019
Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) nhận định rằng rất khó xảy ra “bong bóng” BĐS từ nay tới cuối năm 2018 và cả năm 2019.Báo cáo chỉ ra nền kinh tế vĩ mô không có biểu hiện tăng trưởng nóng. Trong nửa đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước tăng 7,08%, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) tại TP HCM tăng 7,86%, đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,5 - 6,7% mà Chính phủ đã đặt ra.
Tăng trưởng tín dụng của cả nước dự kiến năm 2018 đạt khoảng 17%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố chủ trương không nới "room" tín dụng trong những tháng cuối năm, và đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng thận trọng, lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực BĐS.
Theo HoREA, cơ quan quản lý đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng công cụ về thuế, công cụ tín dụng; công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường BĐS ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định trong những tháng cuối năm, thị trường BĐS sẽ có sự phát triển khởi sắc. Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền sẽ tăng trưởng mạnh và cùng với phân khúc nhà ở trung cấp sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Phân khúc nhà ở cao cấp cũng sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp riêng, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ.
Xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.
Ông Châu cũng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn sẽ có nguồn vốn và quỹ đất để phát triển kể từ quý IV/2018 trở đi. Dự kiến Nhà nước sẽ ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (mới) cho phép xây dựng căn hộ chung cư nhà ở thương mại có diện tích dưới 45m2 sẽ tạo điều kiện phát triển căn hộ giá rẻ.
Giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát theo quy định của pháp luật. Phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại và giá cả hợp lý hơn.
Khi nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp của TP.HCM, trong đó có khoảng 2.200ha đất ở. Kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của TP.HCM và kế hoạch của VAMC về thí điểm xử lý nợ xấu với nhiều khoản nợ đảm bảo bằng BĐS thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng