TP.HCM: Chàng kỹ sư bỏ việc lương cao, khởi nghiệp táo bạo với cây dừa nước
Phan Minh Tiến đã bỏ việc làm lương cao, chỗ làm tốt để quyết tâm thực hiện ước mơ khởi nghiệp ngay trên chính quê hương với cây dừa nước.
Hà Nội: Miễn giảm tiền thuê nhà đất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 / Hà Tĩnh: Cựu thanh niên xung phong thu 1 tỷ đồng/năm từ mô hình trang trại
Mỗi khi nhắc đến cái tên Phan Minh Tiến, người dân ở huyện Cần Giờ, TP.HCM luôn dành cho anh những tình cảm trìu mến kèm sự thán phục. Anh Tiến từ bỏ việc làm lương cao, chỗ làm tốt để quyết tâm thực hiện ước mơ khởi nghiệp ngay trên chính quê hương.
Sự thành công của mô hình “Mật dừa nước ông Sáu” không chỉ mang đến cho xứ biển Cần Giờ đặc sản “có một không hai” mà còn giúp nhiều thanh niên bản xứ cùng khởi nghiệp phát triển kinh tế để xây dựng nông thôn mới.
Khách du lịch tới đây là phải uống được mật dừa nước, bất cứ ai đến với Cần Giờ và người dân quê mình cũng phải tự hào là đối với sản phẩm này.
Mỗi ngày 1 cuống dừa nước cho ra khoảng 1 lít mật. |
Đó là khát khao, tâm huyết của Phan Minh Tiến, quê xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cách đây 2 năm, cái tên mật dừa nước ngay cả người dân bản xứ Cần Giờ vẫn còn khá lạ lẫm nhưng nay đã là trở thành thương hiệu du lịch “có một không hai” cho vùng đất này.
Mặc dù có một công việc với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng tại một Công ty Khí Điện đạm ở Cà Mau, nhưng chàng kỹ sư trẻ xuất thân từ Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã có quyết định táo bạo khi về quê để thực hiện công trình khởi nghiệp ngay trên mảnh đất của quê hương của mình.
Theo Phan Minh Tiến, cây dừa nước ở Cần Giờ có tiềm năng, với hơn 900 ha nhưng chưa được khai thác hiệu quả, giá trị chỉ dừng lại ở việc lấy cơm dừa để giải khát, hay dùng lá để lợp nhà....Qua tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, Tiến thấy có hướng đi đột phá đối với đặc sản của quê hương bằng việc chiết xuất lấy mật từ cuống dừa nước.
Chính vì mô hình này chưa được bất cứ địa phương, doanh nghiệp nào tại Việt Nam thực hiện, nên dự án khởi nghiệp của Tiến gặp nhiều khó khăn.
Phan Minh Tiến vận hành máy móc xử lý nguyên liệu. |
"Cái khó nhất là khai thác để lấy mật dừa nước ra và cách thức lấy được mật. Trong quá trình đó, tôi đem các mẫu khai thác được đến trung tâm phân tích. Qua đó thì mình thấy thành phần dinh dưỡng, các thành phần acid amin cũng rất cao, muối khoáng, vitamin cao nên mình nghiên cứu sâu và tạo ra sản phẩm đầu tiên là mật cô đặc và mật dừa nước tinh chất uống liền", anh Tiến chia sẻ.
Khát vọng cống hiến cho quê nhà
Những sản phẩm đầu tiên khi tiếp cận đến người dân, chính quyền địa phương và khách du lịch đã được đánh giá cao, thành công ngoài mong đợi. Ngoài số tiền tích góp trong 4 năm, Tiến quyết định vay vốn hơn 70 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam để đầu tư, mở xưởng và hệ thống máy móc xử lý nguyên liệu...
Việc mở rộng quy mô sản xuất đã tạo thêm công ăn việc làm cho bà con địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm mật dừa nước của bạn trẻ Phan Minh Tiến được kỳ vọng sẽ giúp Cần Giờ nổi bật trong bản đồ Du lịch Việt Nam trong thời gian tới. |
Anh Vũ Tiến Lực, người dân thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ hồ hởi cho biết: "Khi mô hình này ra đời đã giúp được 8 - 9 bạn thanh niên ở Cần Giờ có công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn so với đồng lương của công nhân, không phải đi xa mỗi tháng và có thể để dư được chút đỉnh. Thay vì trước kia các bạn học hết lớp 12 cứ lên TP đi làm thuê, rồi thất nghiệp về lại quê mà không có gì làm".
Không chỉ vậy, Tiến còn hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên và chuyển giao công nghệ; hướng dẫn cho nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ khởi nghiệp ngay trên chính quê hương của mình.
Anh Hồ Huấn Hải, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ cho biết: "Khi tôi tham gia chương trình thanh niên khởi nghiệp ở trên TP thì rất may mắn được gặp anh Tiến ở trên đó, cũng với mô hình mật dừa nước này. Cần Giờ thì dừa nước rất nhiều nhưng không ai tiên phong và làm được như anh Tiến. Đó là mô hình mới, cái mới không chỉ riêng Cần Giờ hay TP HCM mà cả nước cũng chưa ai làm. Tương lai không xa khi phát triển sẽ giúp thêm nhiều bạn tại địa phương muốn khởi nghiệp trong thời gian tới".
Sự lan tỏa của mô hình này cùng với sản phẩm mật dừa nước thương hiệu Ông Sáu, trong 2 năm qua, đã giúp huyện Cần Giờ có thêm 1 thương hiệu đặc sản nổi tiếng, qua đó góp phần quảng bá du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phan Minh Tiến đạt được giải Nhì - Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo – Thanh niên nông thôn. |
Dự án táo bạo của Phan Minh Tiến vừa qua cũng đã đạt được giải Nhì - Chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo – Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. Sự đồng hành của chính quyền và các đoàn thể của địa phương thời gian qua đã tiếp sức, tạo thêm động lực cho nhiều bạn trẻ có những bước đi vững chắc để khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương của mình.
Ông Võ Hoàng Tâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, cho biết: "Từ thành công của em Minh Tiến là gương thanh niên trẻ giỏi đây là cơ hội để giới thiệu mô hình đến người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Mật dừa nước Ông Sáu đã tạo động lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Thúc đẩy các mô hình kinh tế thanh niên phát triển để góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương tham gia tốt việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn".
Đến với Cần Giờ hôm nay, ngoài đặc sản cá khô Dứa, Xoài Long Hòa người dân, du khách sẽ được thưởng thức thêm một loại thức uống đặc biệt. Mật dừa nước được kỳ vọng sẽ giúp Cần Giờ nổi bật trong bản đồ Du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Thêm điều ý nghĩa, là song hành với sự phát triển việc mở rộng quy mô vùng trồng dừa nước sẽ góp phần bảo vệ môi trường, chống sạt lỡ hiệu quả hơn tại địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo