Thị trường

TP.HCM: Giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

DNVN - Hiện nay, theo thống kê ngoài các khoản chi phí bỏ ra trong quá trình sản xuất kinh doanh, thì nhiều doanh nghiệp đang phải tốn quá nhiều những khoản chi phí khác trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

5 tháng có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD / ‘Thông đường’ cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm sang Hàn Quốc

Trước những thực tại này, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Theo đó, thành phố đặt mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chi phí không chính thức làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Chi phí không chính thức làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh tại đơn vị.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Bộ, ngành Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết nối với các tổ chức quốc tế có liên quan; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết bảo đảm đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá, xếp hạng hàng năm.

Tại báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận những phản ánh tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp (có gần 12.500 doanh nghiệp tham gia khảo sát) về nỗ lực trong phòng chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức là 53,6%, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Nếu so với 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006 thì con số này cho thấy nỗ lực lớn của chính quyền các địa phương.

Tại một số lĩnh vực ghi nhận chi phí không chính thức đã giảm. Chẳng hạn, tỷ lệ chi trả “hoa hồng” để có cơ hội thắng thầu còn 41,2%, giảm so với 48,4% (2018) và 54,9% (2017).

Hay hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp giảm từ 58,2% (2018) xuống còn 54,1%. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án chỉ còn 21,6%, giảm đáng kể so với con số 31,6% (2017) và 28,8% (2018)...

Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực con số này có vẻ không giảm, thậm chí còn tăng. Điển hình, tỷ lệ doanh nghiệp cho hay đã phải chi trả chi phí không chính thứccho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi giảm ấn tượng từ 51,9% (2017) xuống còn 39,3% (2018) thì năm 2019 vẫn giữ nguyên. Hay, tỷ lệ doanh nghiệp “lót tay” để đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi giảm từ mức 32% (2017) xuống còn 30,8% (2018) lại tăng lên 36% vào năm 2019.

Báo cáo của VCCI cho thấy, khi triển khai dự án liên quan tới thủ tục hành chính doanh nghiệp gặp vướng mắc rất lớn, nhất là những thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư.

Chính vì vậy, chi phí không chính thức trong lĩnh vực này cũng lớn. Có 48% doanh nghiệp FDI thừa nhận đã chi trung bình khoảng 24 triệu đồng chi phí không chính thức để nhận được giấy phép phép xây dựng trong năm qua. Đáng lưu ý, con số trên có thể chưa phản ánh đúng chi phí thực tế, bởi có khả năng các doanh nghiệp FDI đã bỏ qua việc xin cấp phép xây dựng do lo ngại phải mất thêm chi phí “lót tay”.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm