Thị trường

Tp.HCM: Quê nghèo vươn lên nhờ nuôi cá giống

Tận dụng dòng nước ngọt kênh Đông từ hồ Dầu Tiếng đổ ra, việc phát triển mô hình nuôi cá nước nước ngọt thương phẩm, cá giống của HTX nuôi trồng thủy sản Tương Lai đã góp phần giúp người dân xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi, Tp.HCM) thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Giải pháp nào cho xuất khẩu gạo? / Giá vàng hôm nay (20/4): Chưa có dấu hiệu khởi sắc

Nhiều năm trước, Phước Hiệp là một trong những xã nghèo của huyện Củ Chi, cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khốn khó. Phần đông người dân sống bằng nghề nông, một số hộ chăn nuôi, đan lát… theo phương thức cũ với thu nhập ít ỏi.

Nuôi cá theo phương thức mới

Thế nhưng hiện nay, bộ mặt của xã Phước Hiệp đã thay đổi rất nhiều nhờ vào việc khơi dậy phong trào vươn lên thoát nghèo với những phương thức mới. Nhiều hộ gia đình từng bước có cuộc sống ổn định, sung túc, trong nhà đầy đủ tiện nghi, có “của ăn của để”.

Hồi năm ngoái, vùng quê này đã đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh.

Một trong những phương thức mới để thoát nghèo ở xã chính là việc phát triển các mô hình nuôi cá nước nước ngọt thương phẩm, nuôi cá giống, cá cảnh. Nhờ vào đó, phần lớn hộ dân trong giờ đây đã nâng cao thu nhập, có đời sống ổn định và vươn lên làm giàu.

Như trường hợp anh nông dân Nguyễn Hồng Nghĩa ở ấp Trại Đèn, thời gian qua đã nghiên cứu và sản xuất nhân tạo cá trê lai. Anh có 10.000m2 đất, trong đó dành 6.000m2 đất để sản xuất cá bột giống.

Anh cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tỷ con cá trê bột/năm, cung cấp rộng khắp thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và được thương lái xuất sang cả nước bạn Campuchia. Sau khi trừ các khoản chi phí đã đem về khoản thu nhập hàng năm khá ổn định.

Trong thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang giống cây trồng có giá trị kinh tế cao thì mô hình của anh Nghĩa đã chọn đúng định hướng của xã là tận dụng nguồn nước kênh Đông để nuôi trồng thủy sản.

Nói đến việc tận dụng hợp lý dòng nước ngọt kênh Đông từ hồ Dầu Tiếng chảy về để nuôi cá thì phải kể thêm một mô hình kinh tế tập thể ở xã Phước Hiệp là HTX nuôi trồng thuỷ sản Tương Lai.

Mô hình nuôi cá giống ở HTX nuôi trồng thuỷ sản Tương Lai (ảnh: Tư liệu)
Mô hình nuôi cá giống ở HTX nuôi trồng thuỷ sản Tương Lai (ảnh: Tư liệu)

HTX hiện nay chuyên cung cấp cá giống và chế biến các loại sản phẩm chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường như: cá sặc tươi, cá lóc tươi, khô cá sặc, cá sặc một nắng, khô cá lóc…

Hàng năm, HTX Tương Lai cung cấp khoảng 200-300 tấn cá các loại cho thị trường trong nước, trong đó có 2 loại chính là cá lóc, cá sặc rằn. Với tổng diện tích nuôi cá thương phẩm gần 4ha, đây là một mô hình HTX hoạt động hiệu quả khi thu về lợi nhuận 800 triệu đồng mỗi năm.

Liên kết tìm đầu ra

Theo lãnh đạo UBND xã Phước Hiệp, việc HTX Tương Lai cung cấp con giống cho bà con trong vùng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra, giúp cho kinh tế hộ dân được cải thiện, đồng thời cũng là đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã.

 

Thực ra, để các xã viên của HTX vươn lên thoát nghèo cũng là cả một chặng đường đầy gian nan. Giai đoạn mới thành lập, các thành viên trong HTX phải mua cá bột về nuôi. Thế nhưng, cá bột bên ngoài thị trường không đảm bảo, cá phát triển không tốt, năng suất không cao, khiến nhiều thành viên rất thất vọng.

Trải qua một thời gian sau, HTX bắt đầu nghiên cứu để nuôi cá giống. Điều này vừa giúp chủ động về chất lượng con giống để nuôi cá thương phẩm, vừa có nguồn cá giống tốt để cung cấp cho các hộ nuôi trong vùng.

Nhờ sản lượng lớn, ổn định nên việc tìm kiếm nơi tiêu thụ tương đối dễ dàng hơn. Ngoài thị trường nội địa, bước đầu, HTX Tương Lai đã xuất khẩu được cá sặc ra nước ngoài. Mục tiêu của HTX là vẫn duy trì nuôi cá giống chất lượng tốt và định hướng mở rộng diện tích để cung cấp giống cho thị trường lân cận.

Hàng năm, HTX Tương Lai cung cấp khoảng 200-300 tấn cá các loại cho thị trường (ảnh: Tư liệu)
Hàng năm, HTX Tương Lai cung cấp khoảng 200-300 tấn cá các loại cho thị trường (ảnh: Tư liệu)

Với tinh thần chủ động, thay vì ngồi chờ sự giúp đỡ của địa phương, các cơ quan nhà nước, HTX Tương Lai đã trực tiếp gặp doanh nghiệp để liên kết sản xuất theo hướng hiện đại. HTX còn đầu tư hệ thống kho xưởng chế biến, đóng gói và lưu trữ sản phẩm theo mô hình khép kín.

 

Ngoài bán cá tươi, HTX lắp đặt hệ thống phơi sấy cá tự động trong nhà kín. Hệ thống 3 buồng phơi sấy liên hoàn tận dụng hiệu quả năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất với sản lượng 100kg khô cá mỗi mẻ phơi sấy.

Vấn đề đầu ra luôn là điều mà lãnh đạo HTX Tương Lai trăn trở. Nhất là khi việc sản xuất thủy sản sạch rất cần có thị trường ổn định và có giá trị xứng đáng, trong khi có những thương lái đến HTX mua cá với giá như hàng thông thường. Do đó, HTX rất mong muốn có trung tâm thu mua sản phẩm với giá cả hợp lý để giúp HTX phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm