Thị trường

Giải pháp nào cho xuất khẩu gạo?

Phương án xuất khẩu gạo sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau cuộc họp ngày 20/4. Tuy vậy, từ những lùm xùm về vụ việc này cho thấy cần phải rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo.

An Giang: Mô hình trồng luân canh sen - lúa giúp nhiều nông dân tăng thêm thu nhập / Quảng Ngãi: Thu nhập khá với mô hình nuôi gà ác

Dự kiến, sáng 20/4, Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo. Sau cuộc họp ngày 20/4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án xuất khẩu gạo.

Doanh nghiệp không thể chờ lâu

Xuất khẩu gạo đã bị gián đoạn gần một tháng qua, nhiều doanh nghiệp cho biết đang chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng do phải chịu các chi phí kho bãi, đối tác huỷ và đòi bồi thường hợp đồng...

Phương án xuất khẩu gạo sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau cuộc họp ngày 20/4 (Ảnh: Internet)
Phương án xuất khẩu gạo sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sau cuộc họp ngày 20/4 (Ảnh: Internet)

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết vừa mới nhận được thư của một đối tác thông báo hủy hợp đồng vì không giao hàng đúng hạn. Khách đòi bồi thường thêm một khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng.

"Với khoảng 300.000 tấn gạo nằm ở cảng chờ xuất khẩu hiện nay. Ngành lúa gạo Việt Nam bị thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng/ngày cho các chi phí, chưa kể chất lượng gạo bị xuống cấp", ông Bìnhnói.

Nếu tình hình thông quan còn khó khăn và kéo dài, chắc chắn sẽ có thêm khách hàng đòi huỷ hợp đồng, đòi bồi thường và chuyển sang mua gạo từ những đối thủ của Việt Nam. Trước những khó khăn trên, CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có đơn thư kêu cứu lần thứ 4 tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nếp, gạo thơm cũng rơi vào tình cảnh sắp phá sản, cầu cứu tới Thủ tướng. Mới đây, Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An) cho biết việc dừng xuất khẩu từ ngày 24/3/2020 đến nay đã gây thiệt hại rất lớn khiến công ty có nguy cơ đi đến phá sản vì thời gian hàng hóa lưu trong container hơn 23 ngày, nay tiếp tục không thể khai báo hải quan. Nếu kéo dài đến tháng 5, chất lượng hàng hóa xuống cấp, đồng thời khách hàng yêu cầu bồi thường và hủy hợp đồng do không giao hàng kịp trong tháng 4.

 

Vấn đề của doanh nghiệp là rất cấp bách nhưng cách giải quyết của các bộ ngành đang cho thấy sự rắc rối trong quản lý.

Quản lý rắc rối

Trước hết về xuất khẩu gạo nếp, Bộ Công Thương phải mất một ngày để đánh công văn hỏi Bộ NN&PTNT rằng lúa nếp có thuộc danh sách dự trữ quốc gia hay không. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cho biết danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ Quốc gia. Rõ ràng, Bộ Công Thương có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin này.

Về xuất khẩu gạo tẻ, vấn đề trách nhiệm thông quan đang được đẩy qua lại giữa các bộ, ngành. Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp đang bị động trong phương án điều hành của Bộ Công Thương và Bộ Công Thương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra nguồn cung lúa gạo.

Trong khi đó, Bộ Công Thương yêu cầu Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020. Danh sách cụ thể gồm có tên, số lượng, thị trường xuất khẩu, cảng/cửa khẩu xuất khẩu... đến thời điểm hiện nay.

 

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17 giờ hàng ngày, thực hiện từ nay đến hết ngày 25/4.

Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan cho rằng quyết định cho phép xuất khẩu gạo của Thủ tướng có hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11/4/2020. Nhưng đến 9 giờ 30 sáng ngày 11/4/2020, đơn vị này mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử. Đến ngày 13/4/2020, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức về quyết định nói trên.

Sự quản lý "rối rắm" trong xuất khẩu gạo có thể đánh mất cơ hội của ngành lúa gạo khi trước đó ngành này được đánh giá là "điểm sáng" trong tình trạng nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực suy giảm xuất khẩu vì Covid-19, đặc biệt xuất khẩu gạo Việt Nam được dự báo là có cơ hội vượt Thái Lan trong năm 2020.

Nếu như các bộ ngành làm tốt công tác tham mưu, phối hợp nhịp nhàng với nhau, có lẽ thay vì làm đơn kêu cứu, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có thể tìm thêm rất nhiều khách hàng, đưa ngành hàng này phát triển ở một mức độ mới.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng 20/4 tới.

 

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ Công Thương vàBộTài chính phải báo cáo về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo. Theo đó, Bộ Tài chính phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai quyết định xuất khẩu gạo của Thủ tướng và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm