(DNVN) - Trong đồ án quy hoạch 1/2000, khu trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất mở không gian đô thị trung tâm hiện hữu về phía sông Sài Gòn.
Cùng với bờ sông ở Thủ Thiêm, không gian công cộng dọc hai bên bờ sông Sài Gòn có chiều rộng khoảng 450m và chiều dài khoảng 8km, tạo ấn tượng về một đô thị ven sông.
Sông Sài Gòn, nơi từng là giới hạn, nay trở thành tâm điểm của khu trung tâm TP.HCM theo xu hướng “bờ sông đô thị” và “không gian xanh”. Đó sẽ là hình ảnh tích cực và bền vững của một đô thị đẳng cấp quốc tế.
Bởi trước đây, sông Sài Gòn là đường bờ rìa của TP.HCM, được dùng để vận chuyển và hỗ trợ thương mại. Một số đoạn, dòng sông bị ô nhiễm nặng và bờ sông được dùng làm cơ sở công nghiệp đóng tàu hay cảng biển, nhà kho chứa hàng. Chính những điều này đã ngăn cách cư dân đô thị tiếp xúc với mặt nước, với dòng sông.
Cho nên, các công viên bờ sông đã và sẽ xuất hiện khi phát triển các khu đất dọc bờ Tây sông Sài Gòn (khu vực Ba Son, Tân Cảng, khu Cảng Sài Gòn…). Việc thực hiện dự án tại các khu tái phát triển này, công viên công cộng là thành phần ưu tiên thực hiện trước.
Giới chuyên gia đô thị cho rằng cần tập trung phát triển cao tầng ở một số điểm phù hợp thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn. Tại các khu vực như Ba Son, Tân Cảng, khu cảng Sài Gòn với chức năng sử dụng đất hỗn hợp tạo nên không gian đô thị thấp dần về phía sông.
Theo đó, nên kết nối không gian và giao thông với khu đô thị mới Thủ Thiêm dọc 2 bên sông Sài Gòn, hình thành dải công viên và không gian công cộng, đảm bảo sự tiếp cận của người dân thành phố đến toàn bộ khu vực cây xanh dọc bờ sông Sài Gòn. Riêng các công trình có tính chất lịch sử tại khu Ba Son thì phải được bảo tồn phát huy giá trị.
Còn sông Sài Gòn với vai trò là một không gian mở, một khoảng lặng quý giá, sẽ góp phần điều tiết, làm nhẹ quy mô của các toà nhà cao tầng. Đặc điểm bóng dáng đô thị như vậy sẽ tạo nên “chân trời đô thị” đặc trưng của một trung tâm đô thị hình thành và phát triển theo hai bờ sông nước.
Bài, ảnh: Khánh Ngọc